Trong một nghiên cứu của Tiến sĩ Peng Li, được công bố trên tạp chí Alzheimer and Dementia ngày 17/3, những người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 40% khi ngủ trưa hằng ngày hoặc giấc ngủ trưa kéo dài hơn một giờ. Khi người lớn tuổi mắc Alzheimer, tần suất và thời gian ngủ trưa sẽ tăng lên. Trong nghiên cứu về sự phân chia giấc ngủ và rối loạn sinh học, Tiến sĩ Peng Li đăng trên Harvard Gazette rằng các thói quen ngủ trưa của người lớn tuổi thường bị bỏ qua.
Theo Tiến sĩ Peng Li, kết quả nghiên cứu cho thấy ngủ trưa quá nhiều có thể báo hiệu nguy cơ cao mắc chứng sa sút trí tuệ Alzheimer. Tình trạng này tăng nhanh hơn hằng năm có thể là dấu hiệu lâm sàng xấu đi. Thời lượng trung bình của giấc ngủ trưa tăng thêm 11 phút ở người trưởng thành không mắc các vấn đề về nhận thức. Điều này là vì những giấc ngủ trưa có xu hướng trở nên phổ biến hơn theo độ tuổi do nhiều vấn đề làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm, bao gồm cả tiểu đêm.
Ở những người có chứng suy giảm nhận thức nhẹ tham gia nghiên cứu, thời lượng giấc ngủ trưa tăng nhanh gấp đôi với trung bình 24 phút mỗi ngày. Những người phát triển bệnh Alzheimer, thời gian ngủ trưa hằng ngày tăng nhanh gần gấp 3 lần với mức tăng trung bình 68 phút. Mối liên hệ giữa chứng sa sút trí tuệ và việc ngủ trưa kéo dài vẫn tồn tại ngay cả khi các nhà nghiên cứu đã tính đến số lượng và chất lượng giấc ngủ vào ban đêm. Thậm chí, thức giấc vào ban đêm và thay đổi số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ từ ngày này sang ngày khác cũng không ảnh hưởng mối liên hệ này.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thời gian ngủ trưa và tần suất ngủ trưa có mối quan hệ tương quan thuận với tuổi tác. Ngủ trưa dài hơn và thường xuyên hơn là yếu tố nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở nam giới và phụ nữ lớn tuổi không mắc các vấn đề về nhận thức. Bên cạnh đó, sự gia tăng hằng năm về thời gian và tần suất ngủ trưa khi bệnh tiến triển, đặc biệt là sau khi có biểu hiện lâm sàng của bệnh Alzheimer.
Tiến sĩ Peng Li cho biết, mối quan hệ giữa ngủ trưa và nhận thức là một vòng luẩn quẩn, cung cấp cơ sở để hiểu rõ hơn về vai trò của giấc ngủ đối với sự phát triển và tiến triển của bệnh Alzheimer ở người lớn tuổi.
Tuy nhiên, một hạn chế của nghiên cứu là thiết bị vòng đeo tay sức khỏe không phải là tiêu chuẩn "vàng" để đo số lượng và chất lượng giấc ngủ. Thiết bị này theo dõi chuyển động và các nhà khoa học cho rằng những khoảng thời gian dài bất động trong ngày cho thấy giấc ngủ ngắn. Bởi vì ở một số trường hợp, mọi người có thể đọc hoặc xem truyền hình.
Một nhược điểm khác của nghiên cứu là người tham gia có độ tuổi 74 - 88 nên kết quả có thể không phản ánh được những gì sẽ xảy ra ở người trẻ tuổi. Nghiên cứu cũng chưa kiểm tra xem liệu sự can thiệp trực tiếp vào giấc ngủ trưa có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hoặc suy giảm nhận thức hay không.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu góp phần cho thấy mọi người cần chú ý hơn đến những thay đổi trong thói quen ngủ khi già đi nếu cảm thấy giấc ngủ trưa trở nên dài hơn và thường xuyên hơn. Tác giả nghiên cứu cũng lưu ý đến mô hình giấc ngủ 24h (không chỉ giấc ngủ ban đêm mà còn cả giấc ngủ ban ngày) để theo dõi sức khỏe của người lớn tuổi.
Sa sút trí tuệ là một hội chứng suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Sa sút trí tuệ là kết quả của nhiều loại bệnh hoặc chấn thương, ảnh hưởng chủ yếu đến não. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chứng sa sút trí tuệ ảnh hưởng đến khoảng 55 triệu người trên thế giới, trong đó, 60% ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Vào năm 2030, dự kiến số người bị sa sút trí tuệ sẽ lên tới 78 triệu người và 139 triệu người vào năm 2050.
Những yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ còn có thể do béo phì và tăng huyết áp ở tuổi trung niên; huyết áp thấp ở người cao tuổi; đái tháo đường; nhồi máu não đa ổ; tăng mỡ máu; thói quen uống rượu, dùng chất kích thích; tiền sử gia đình có người mắc hội chứng sa sút trí tuệ; trầm cảm...
Trọng Đức