Dịp lễ hay cuối tuần, nhiều người đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM than bị đau đầu, khó chịu. Qua chia sẻ của bệnh nhân, bác sĩ phát hiện họ thường dậy muộn và ngủ quá nhiều vào những ngày này. BS.CKII Thân Thị Minh Trung (Phó khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, những người dễ bị đau đầu chỉ cần ngủ lâu hơn vào cuối tuần cũng có thể làm kích hoạt hoặc tăng nặng cơn đau.
Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh: Ngủ nhiều có thể gây đảo lộn sự cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh, điển hình là serotonin. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh phân bố rộng khắp cơ thể, tham gia vào chức năng của não, duy trì nhịp sinh học hàng ngày và giấc ngủ. Nó đóng vai trò quan trọng giúp các quá trình nghỉ ngơi, tái tạo diễn ra trong cơ thể khi được nghỉ ngơi.
Các vấn đề với serotonin còn có liên quan đến rối loạn tâm trạng như lo lắng và trầm cảm; từ đó, ảnh hưởng đến giấc ngủ và gây đau đầu, giống như một vòng luẩn quẩn. Ngủ nhiều cũng khiến các động mạch trong đầu mở rộng và bị viêm, khiến đau nhói dữ dội và có thể buồn nôn.
Mất nước nhẹ và đói: Một số phần của não sử dụng nhiều oxy và glucose (đường) hơn khi ngủ so với thức. Ngủ nhiều, ăn uống không đúng giờ khiến tụt đường huyết, có thể làm đầu đau nhức. Cơn đau thường được mô tả với cảm giác đau nhói, âm ỉ ở thái dương; có thể xảy ra cùng các triệu chứng hạ đường huyết khác như mờ mắt, tăng nhịp tim, hồi hộp, mệt mỏi, khó chịu và lú lẫn.
Hạ đường huyết cũng có khả năng gây chứng đau nửa đầu. Một số người mắc chứng đau nửa đầu cho biết họ thèm carbohydrate trước khi cơn đau nửa đầu ập đến. Đây có thể là cách cơ thể điều chỉnh lượng đường trong máu và ngăn ngừa cơn đau đầu bằng cách đi ngủ và dậy đúng giờ. Nếu ngủ nướng, cơ thể còn có thể thiếu nước, khiến bạn đau đầu khi thức dậy.
Nghiến răng: Những người nghiến răng trong khi ngủ có nhiều khả năng mắc các chứng rối loạn giấc ngủ chẳng hạn như ngáy và ngưng thở khi ngủ. Hầu hết mọi người không nhận thấy rằng họ đang nghiến răng khi ngủ. Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây đau ở hàm và cổ, dẫn đến đau đầu.
Rối loạn giấc ngủ: Một số người ngủ một giấc dài nhưng thức dậy vẫn cảm thấy mệt mỏi có thể bị rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ cũng gây đau đầu khi thức dậy. Các triệu chứng khác bao gồm ngáy, mệt mỏi, đau đầu và cảm thấy buồn ngủ ngay cả sau khi thức dậy.
Bác sĩ Minh Trung khuyến cáo, người lớn nên ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm. Một giấc ngủ yên bình và đều đặn là cách tốt nhất giúp ngăn ngừa tình trạng ngủ quên và những cơn đau đầu đi kèm. Cố gắng duy trì nhịp sinh học hàng ngày điều độ cũng giảm bớt hoặc loại bỏ nguyên nhân đau đầu. Mỗi người nên đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày để ổn định giấc ngủ.
An Minh