Nhưng gần đây tôi nghe nói ngủ quá nhiều có thể bị đột quỵ. Xin hỏi bác sĩ đúng không? (Nguyễn Thanh Tùng, 38 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu trên thế giới. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ thường liên quan đến lối sống thiếu khoa học, hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều mỡ động vật, mắc các bệnh lý nền như béo phì, tiểu đường, tim mạch, tăng huyết áp...
Với giấc ngủ, hiện y khoa chưa có nghiên cứu kết luận thói quen ngủ nhiều là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều kết hợp với các yếu tố đi kèm khác có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Ví dụ, người ngủ quá nhiều thường có xu hướng ít vận động, tăng cân nhiều hơn, tăng nguy cơ béo phì. Béo phì làm tăng mức cholesterol xấu (LDL), lâu dần hình thành mảng bám mạch máu - yếu tố có thể dẫn đến bệnh tim và đột quỵ. Ít vận động và thừa cân do ngủ nhiều cũng làm tăng lượng đường trong máu - nguy cơ gây bệnh tiểu đường type 2. Tiểu đường cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh lý về tim mạch, đột quỵ.
Thời gian ngủ quá dài dễ khiến cơ thể ì ạch, mệt mỏi, suy giảm chức năng miễn dịch, dễ căng thẳng hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Bệnh tim là yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ và tử vong. Thời gian ngủ lâu hơn bình thường còn có thể khiến não lão hóa nhanh hơn và khó thực hiện các công việc đơn giản hàng ngày, kéo dài trạng thái chán nản dẫn đến mắc trầm cảm. Bạn cũng có thể bị đau đầu nhiều hơn do thời gian ngủ dài kích hoạt một số chất dẫn truyền thần kinh trong não.
Một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra mối liên hệ giữa ngủ nhiều và nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để khẳng định. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ các nghiên cứu sau. Ví dụ, nghiên cứu của Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (Trung Quốc) trên hơn 31.000 người cho thấy, người ngủ từ 9 tiếng trở lên vào ban đêm tăng 85% nguy cơ đột quỵ. và có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 23% so với người thường xuyên ngủ từ 7-8 tiếng. Người ngủ trưa dài hơn 90 phút mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ cao hơn 25% so với người ngủ trưa đều đặn dưới 30 phút.
Một nghiên cứu khác của Đại học y Stanford (Mỹ) trên 20.000 người phát hiện ra rằng, người ngủ từ 9 tiếng trở lên mỗi ngày thường bị rối loạn tâm trạng và căng thẳng, có chất lượng cuộc sống kém hơn từ 2-4 lần so với người ngủ ít hơn, đủ giấc và đúng cách (5-7 tiếng mỗi đêm). Căng thẳng cũng là yếu tố có thể thúc đẩy, tăng nguy cơ đột quỵ.
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần, thể chất và chất lượng sống. Tuy nhiên, cần ngủ nghỉ điều độ, phù hợp, tốt nhất là ngủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm. Ngủ đủ giúp tinh thần sảng khoái, có năng lượng sẵn sàng cho một ngày mới, tốt cho tim mạch, thúc đẩy sự cân bằng lành mạnh của các hormone và hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
Mẹo để ngủ ngon, sâu giấc là để phòng ngủ tối, tránh sử dụng thiết bị điện tử gần giờ đi ngủ, thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày (kể cả cuối tuần), thư giãn, nghe nhạc nhẹ, sử dụng tinh dầu... Nếu bạn thường xuyên buồn ngủ và ngủ kéo dài không rõ nguyên nhân thì có thể đã bị rối loạn giấc ngủ. Bạn nên đi khám kiểm tra sức khỏe để được điều trị sớm, đồng thời loại trừ các bệnh tiềm ẩn như tiểu đường, tăng huyết áp... để bảo vệ sức khỏe.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Phương Trang
Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM