Anh Tiến viêm họng từ bé, amidan sưng to, thường tái phát, kèm nuốt vướng, thỉnh thoảng nghẹt mũi và ho đờm. Gần đây, viêm họng nặng hơn, ngủ ngáy to "như tiếng sấm", anh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Kết quả nội soi mũi họng ghi nhận viêm VA tồn dư, amidan sưng to hai bên, quá phát độ ba, hốc amidan có mủ vón cục như bã đậu trên bề mặt. Vùng đáy lưỡi và thành sau họng có các mô lympho quá phát.
Ngày 23/10, BS.CKII Nguyễn Như Duy, Trung tâm Tai Mũi Họng, cho biết VA phát triển từ 6 tháng tuổi, tăng dần kích cỡ lúc 2-4 tuổi, bắt đầu teo dần khi trẻ hơn 7 tuổi và gần như biến mất hoàn toàn khi bước vào tuổi dậy thì. Viêm VA tồn dư ở người trưởng thành chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, tình trạng VA quá phát lúc nhỏ nhưng không nạo là yếu tố nguy cơ dẫn đến VA tồn dư ở tuổi trưởng thành.
VA tồn dư to, viêm dễ dẫn đến các biến chứng như nghẹt mũi kéo dài, chảy dịch xuống họng, đau họng thường xuyên, ho kéo dài, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ.
Theo bác sĩ Duy, bệnh nhân có mô lympho quá phát như amidan to dễ bị VA tồn dư hơn. Anh Tiến từng điều trị viêm amidan bằng thuốc nhưng kém hiệu quả. Anh cũng không được nội soi mũi nên không phát hiện viêm VA tồn dư.
Bác sĩ điều trị hết đợt viêm cấp tính cho người bệnh, sau đó cắt amidan và nạo VA cùng lúc bằng dao plasma (loại dao có tác dụng cắt, đốt và cầm máu tại chỗ). Thời gian phẫu thuật chỉ khoảng 30 phút, bệnh nhân ít đau, phục hồi nhanh hơn và xuất viện sau mổ một ngày.
Mô VA tồn dư ở người trưởng thành thường xơ chai hơn mô VA ở trẻ em. Thời gian viêm tái đi tái lại kéo dài nên quá trình phẫu thuật dễ chảy máu hơn đòi hỏi ê kíp phẫu thuật có chuyên môn cao, cầm máu kỹ để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Amidan là hệ thống lympho nằm ở ngã tư hầu họng, có vai trò như hàng rào miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân môi trường có hại. Amidan gồm nhiều loại, phổ biến nhất là amidan khẩu cái (loại amidan có thể quan sát bằng mắt thường) và amidan vòm (còn gọi là VA, chỉ quan sát được qua nội soi mũi).
Theo bác sĩ Duy, một số ít người trưởng thành có viêm VA, đa phần các trường hợp này khối VA viêm nhiều năm, bề mặt sần sùi, dễ nhầm lẫn với các khối u vùng vòm họng, nhất là khối u ác tính, cần phải loại bỏ bằng cách nạo và giải phẫu bệnh.
Bệnh nhân sau phẫu thuật cắt amidan và nạo VA cần ăn cháo và uống sữa nguội trong một tuần đầu, tránh thức ăn cay, nóng và cứng, vì có thể ảnh hưởng đến quá trình lành vết thương.
Người bệnh viêm họng, viêm amidan kéo dài nên khám chuyên khoa Tai Mũi Họng để được bác sĩ nội soi kiểm tra và điều trị triệt để.
Khánh Ngọc
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |