(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Mỗi đợt Sài Gòn vào mùa mưa, những con đường hóa thành sông và dòng người lầm lũi lội nước, mắc kẹt và bất lực chen lấn trong dòng ôtô tôi lại không khỏi cám cảnh đau lòng, vì sao người Việt phải cực khổ đến thế?
Dù đã có nhiều nỗ lực nhằm thiết lập một hệ thống giao thông tốt hơn, đơn cử là tuyến buýt nhanh BRT ở Hà Nội và chiến dịch giành lại vỉa hè ở TP HCM. Nhưng dường như mọi thứ vẫn còn diễn ra chậm rãi và chưa thật sốt sắng.
Năm 2008, làn đường đầu tiên dành cho xe buýt ở Hà Nội được khai trương trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng). Tuy nhiên sau đó để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, làn đường dành riêng cho xe buýt bị xoá bỏ.
Hơn tám năm sau, một ngày cuối năm 2016, Hà Nội khai trương tuyến khai buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa với quãng đường khoảng 14,7 km từ Kim Mã xuống Yên Nghĩa với làn đường ưu tiên.
>> Việt Nam không có làn đường chuẩn cho xe buýt
Tuyến buýt nhanh BRT ở Hà Nội mang trên mình kỳ vọng về một giấc mơ văn minh: tuyến buýt có làn đường riêng nhưng chẳng ai có thể ngờ được con đường mà nó đi lại có nhiều truân chuyên, trắc trở. Đầu tiên là tình hình buýt nhanh vắng khách, chỉ chở trung bình 41 khách mỗi lượt trong khi thiết kế xe có thể chở tối đa cùng lúc 90 người. Khiến sau đó cơ quan quản lý phải nhún nhường, cho buýt thường chạy vào làn buýt nhanh.
Rồi sau đó, buýt nhanh đã hình thành thói quen tham gia giao thông công cộng của người dân trên tuyến, nhiều chuyến BRT đã có dấu hiệu quá tải, được chuyên gia đánh giá cao và còn áp dụng vé điện tử để tiện lợi hơn.
Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện thêm một tuyến buýt nhanh nào ở Hà Nội và TP HCM thì chưa có tuyến nào.
Cùng thời điểm đó, năm 2017, với kế hoạch lập lại trật tự đô thị và muốn biến khu trung tâm Sài Gòn "thành Singapore thu nhỏ", ngày 16/1, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP HCM) đã dẫn đầu đoàn công tác gồm Quản lý trật tự đô thị, Công an quận 1 ra quân, chỉ đạo xử lý nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn.
Cuộc giành vỉa hè rầm rộ này được nhiều người quan tâm và tất nhiên cũng gây nhiều tranh luận, nhưng mục tiêu vỉa hè phải dành cho người đi bộ là đúng đắn và không phải bàn cãi. Thế nhưng công việc chỉ duy trì được vài tháng thì sau đó ông Hải đã bị "trói chân". Còn bây giờ, vỉa hè đã bị tái chiếm và ông Hải thì đã từ chức.
>> Hệ thống xe buýt hiện tại không phù hợp TP HCM
Nhiều năm qua, chúng ta cứ hát mãi điệp khúc giao thông bí bách ở Sài Gòn, Hà Nội. Nhưng xem ra cái điệp khúc này sẽ còn ngân nga dài dài khi mọi nỗ lực tái lập hệ thống giao thông đều không hiệu quả, nếu như phương tiện cá nhân vẫn còn tràn ngập đầy đường Hà Nội, TP HCM.
Nhiều người đề xuất cấm xe máy vào nội thành, người dân tích cực sử dụng xe buýt, hay chỉ ra xe máy như loài virus đã tàn phá đô thị, thu phí ôtô vào trung tâm, nhưng những ý kiến này nhanh chóng bị nhấn chìm vào ngọn lửa giận dữ, vì đã đụng chạm đến lợi ích của nhiều người.
Tôi cho rằng để giải quyết bức bách giao thông ở TP HCM và Hà Nội chỉ có một con đường, đó là nhanh chóng hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến Metro Cát Linh- Hà Đông, Bến Thành - Suối Tiên. Hạn chế và tiến tới cấm xe máy vào trung tâm, đồng thời cải tổ lại hệ thống xe buýt thật bài bản và hiện đại hơn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Vũ Đức Thành