(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Các tuyến xe buýt ở Sài Gòn được lên biểu đồ hành trình dựa vào bản đồ chứ không đi khảo sát thực tế. Xây dựng các tuyến xe buýt không khó. Khó là ai chịu trách nhiệm khảo sát thực tế - trạm chờ cần đặt ở đâu để không ảnh hưởng kinh doanh của nhà mặt tiền, thuận tiện cho mọi người gần đó có thể nhanh chóng đến trạm chờ trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo khoảng cách giữa hai trạm không quá một km.
Nhiều tuyến xe buýt trùng lặp nhau ở một số đoạn đường vì đó là các tuyến xe buýt cũ được xây dựng trước năm 1975, đi qua những nơi đông dân cư (để đảm bảo có khách). Các quận trung tâm rất nhiều tuyến xe buýt chạy qua còn các quận mới gần như không có tuyến xe buýt, nếu có thì chỉ đơn độc một tuyến được xây dựng thiếu hệ thống.
>> 5h sáng phải ra bắt xe buýt để kịp 7h làm việc?
Muốn người dân đi xe buýt thì các tuyến xe buýt phải hình thành thành mạng lưới có liên hệ thống nhất để cho bất cứ ai muốn đi xe buýt không phải đi bộ từ nơi xuất phát đến trạm chờ không quá năm phút (khoảng một km), để việc đổi tuyến xe dễ dàng và thuận tiện.
Hệ thống xe buýt của TP HCM rất manh mún. Ai chạy tuyến nào hưởng thu nhập từ tuyến đó nên chế độ phục vụ của mỗi tuyến không giống nhau, xe cũ mới khác nhau, thái độ của tài xế, tiếp viên khác nhau.
Ban quản lý xe buýt chỉ quản lý biểu đồ hành trình (có chạy đúng giờ không) còn người và xe vẫn do các HTX và Công ty xe khách Sài Gòn quản lý. Lẽ ra chỉ nên có một đơn vị duy nhất quản lý từ a đến z thì việc quản lý xe buýt lại chồng chéo phức tạp như thế.
Đó là chưa nói, ai, xe nào bị kỷ luật sẽ bị bứt khỏi tuyến đông khách ghim vào tuyến ít khách. Phân biệt đối xử giữa các tuyến xe buýt như vậy thì làm sao văn minh được.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> 'Xe buýt không phải là dịch vụ kinh doanh có lãi'
Biểu đồ hành trình là đồ thị vẽ hoạt động của một tuyến xe buýt với ba thông số - khoảng cách giữa hai trạm đầu cuối, thời gian giữa hai chuyến và thời điểm dừng trạm đón trả khách.
Nhìn biểu đồ hành trình bất cứ ai cũng sẽ biết được tuyến đó cần bao nhiêu xe, xe nào ở thời điểm nào đang ở đâu. Như vậy, chỉ cần hành khách thông báo xe nào vào lúc mấy giờ, tiếp viên tài xế có thái độ không tốt với họ, truy lên biểu đồ sẽ xác minh được ngay phản ánh đó có đúng hay không (đúng cái xe đó hay không).
Nếu bạn phải chờ ở một trạm nào đó quá 10 phút, bạn có quyền phản ánh, xe nào tại thời điểm đó đến chậm sẽ bị phạt tiền. Hoạt động của xe buýt giống như cầu thang cuốn trong siêu thị, có khách hay không, khách nhiều hay ít, xe vẫn phải chạy, không được quá nhanh hay quá chậm vì mọi tài xế phải đảm bảo dừng tại trạm nào vào thời điểm nào đúng theo biểu đồ.
Kẹt xe là cơn ác mộng đối với xe buýt vì không đảm bảo được thời gian theo biểu đồ. Xe buýt gây tai nạn phần lớn là do ý thức của người điều khiển xe khác và do tài xế xe buýt có bằng lái không đúng quy định của pháp luật.
Xe 60 chỗ ngồi trở lên, tài xế phải có bằng E (gần như đụng trần). Hàng nghìn xe buýt đào đâu ra tài xế có bằng đó? Người ta đã hạ thấp bằng lái xe buýt xuống còn bằng D (xe 40 chỗ) thậm chí bằng C (xe 16 chỗ). Bằng E là có 20 năm kinh nghiệm lái xe lớn (chiều dài xấp xỉ 9 mét), thường phải là tài xế có độ tuổi ngoài 35 trở lên (đi phụ từ khi còn rất trẻ). Tài xế xe lớn bây giờ nhiều người mặt mũi non choẹt, chả hiểu làm sao lấy được bằng E.
>> 'Muốn xe buýt phát triển, phải chấp nhận hy sinh xe cá nhân'
Xây dựng hệ thống xe buýt thông minh còn rất nhiều việc phải làm. Hệ thống hiện tại không phù hợp với thành phố lớn như TP HCM. Những bất cập của xe buýt rất nhiều người nhìn thấy nhưng mỗi người chỉ nhìn theo góc độ hẹp của họ (vì họ không có chuyên môn về giao thông công cộng) chứ không có cái nhìn bao quát toàn hệ thống.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm