Quý vị đang ở Sài Gòn hay Hà Nội, đi làm bằng xe hơi hay xe máy? Thật ra ở đâu cũng vậy, cũng người và xe máy, sáng nào cũng lích nhích trong dòng xe đi làm, chiều vật vã giành từng mét đường để về nhà ăn cơm.
Tháng nắng chưa kịp đến công ty thì bụi bám vô mặt dày như make-up. Tháng mưa thì, xin lỗi, hãy quên giày đẹp, quần áo hiệu đi, xe mới cũng vui lòng cất đi, đường ngập cống tràn đi đứng còn chưa xong ở đó mà sửa soạn. Cao to thì lợi thế nhưng nhiều khi còn được thêm cái đen hôi (do nước bẩn văng).
Đi xe máy là vậy, xe hơi thì sướng hơn chút đỉnh. Mát, đỡ bụi, tháng mưa cũng sạch sẽ khô ráo hơn nhiều. Nghe thì cũng đúng, nhưng thiệt tình đâu có gì hoàn hảo. Trong cái trường đua xe máy khổng lồ này, chỉ có ôtô container là được kiêng nể ra mặt, không bị cắt đầu vượt ẩu. Còn lại xe hơi, xe buýt né bên nào cũng trúng mấy xe máy. Tay lái yếu cứ nằm giữa đường mà chịu trận, xe trầy, bị chửi, va quẹt khỏi cần nói chắc cũng hiểu kỹ lắm rồi.
>> 'Tội của xe máy là quá tiện lợi và ai cũng mua được'
Mệt mỏi là vậy, nhưng chung quy lại cũng là vì một chữ tiền. Tiền nhiều không biết để làm gì chứ ít tiền thì sao kén chọn được. Cứ lên thành phố kiếm việc, kẹt xe sao đáng sợ bằng kẹt tiền.
Dân đổ về các thành phố mỗi ngày mỗi đông, năm sau cao hơn năm trước, số xe máy cũng tăng theo số người. Bởi vậy để ý thử mà xem, không cấm thì đường làm ra thêm bao nhiêu cho đủ.
Dân số cả nước tính chẵn 90 triệu dân, Sài Gòn, Hà Nội ngót nghét mỗi thành phố cũng 10 triệu, tăng cơ học ở mỗi thành phố mỗi năm cả triệu người. Cả chục triệu người dồn cục nói sao không kẹt. Giả dụ ngân sách gắng mỗi năm đủ để làm đường, thì kéo đâu ra đất để xây, chỗ đâu xây nhà, xây công viên, xây bệnh viện, trường học... Dân mình hở ra là trách nhà nước quản không được thì cấm, nhưng trong trường hợp này thì cấm thiết nghĩ là cách quản tốt nhất .
Dân số nước mình tuy đông nhưng cơ cấu trẻ, sức khỏe còn nhiều nên trạm xe buýt có xa thì cố gắng tí, còn trẻ mà đi bộ nhiều thì có lợi nhiều. Bỏ qua cái tiện lợi một chút, chịu khó thức sớm một chút đón xe buýt đi làm, sạch sẽ mà an toàn, đỡ phải lái xe, có người ngồi chung tán dóc, cải thiện tâm trạng.
>> 'Tư duy xe máy' sẽ là bài toán khó cho giao thông công cộng
Ai không muốn có đường rộng để đi, thoải mái, đỡ phải chen chúc, nhưng đầu tiên là tiền đâu mà làm. TP HCM có rất nhiều dự án giao thông nhưng cả chục năm qua hoàn thành được mấy cái, chung quy cũng do kinh phí quá lớn mà ngân sách có hạn, hàng trăm ngàn tỉ đâu phải chuyện đùa.
Thay vì cứ gân cổ cãi nhau nên cấm hay không cấm xe máy thì nên nhìn thẳng vô thực trạng đất nước, thấy mình nghèo để bớt đòi hỏi. Xe máy trước sau gì cũng phải bỏ, thì thôi chia tay sớm cho bớt kẹt xe. Hơn nữa với số tiền trăm ngàn tỷ làm đường nếu dùng để hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng mà mũi nhọn là xe buýt, thiết nghĩ hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.
Ai chân còn khỏe thì sắm cái xe đạp mà đi. Tuy bất tiện hơn nhưng thành phố giảm khói xe thì đỡ bụi, sạch sẽ, sức khỏe tốt lên, hiệu quả công việc tăng. Thiên hạ ngoài kia cũng sẽ không soi mói xếp dân mình vô nhóm lười vận động hàng đầu thế giới. Mà quan trọng hơn, thử nghĩ Sài Gòn, Hà Nội xe đạp chiếm đa số thì sao nhỉ?
>> 'Cấm xe máy làm mất quyền lợi nhiều người giàu'
Chắc chắn đi làm vui như đi chơi, vì vừa được ngắm nhìn đường phố, lại vừa trò chuyện vui như hồi còn học cấp hai. An ninh công cộng tốt hơn vì bọn trộm cũng đa số là trộm xe máy, cướp giật không chạy xe máy được thì làm sao mà giật đồ tẩu thoát, còn nếu giật mà chạy bộ thì chắc chắn khó mà thoát rồi.
Những điều nói ra như trên không phải là ép buộc hay nói cho suông miệng. Cái gì tiện dụng quen rồi thì mình không nỡ bỏ, nhưng con người, đặc biệt là dân Việt mình tính thích nghi cao. Già 70 tuổi còn xài Facebook được thì chuyện người trẻ tập đi làm bằng xe đạp, xe buýt rồi dần cũng dễ như đi thang máy thôi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.