Thứ ba, 24/12/2024
Thứ bảy, 6/5/2017, 17:24 (GMT+7)

Buýt nhanh Hà Nội vắng khách dù đi làn riêng

Được đầu tư hiện đại và đi làn đường riêng, xe buýt nhanh ở Hà Nội chỉ đạt trung bình 41 khách mỗi lượt trong khi thiết kế xe có thể chở tối đa cùng lúc 90 người.

Đầu tư nghìn tỷ xe buýt BRT vẫn vắng khác
 
 

Tuyến buýt nhanh BRT 01 (Yên Nghĩa - Kim Mã) có chiều dài 14,77 km, sử dụng 26 xe. Dọc tuyến có 21 nhà chờ và hai điểm đầu cuối hoạt động trong làn đường dành riêng. Dự án khởi công năm 2013, chính thức vận hành đầu năm 2017.

Xe buýt nhanh có tốc độ trung bình trên tuyến gần 20 km/giờ, vận tốc ổn định và đúng kế hoạch do được hoạt động trong làn đường dành riêng.

Lúc 14h ngày 5/4, nhà chờ tại Kim Mã khá vắng vẻ.

Một nhân viên thảnh thơi làm vệ sinh tại nhà chờ Bến xe Yên Nghĩa.

Cảnh vắng khách đã quen thuộc với xe buýt nhanh, nhất là giờ thấp điểm. Nhiều thời gian trong ngày, có những chặng xe chỉ một hành khách hoặc chạy xe không.

Giờ cao điểm, BRT đông khách hơn.

Thời điểm đông nhất vào các múi giờ 7h-8h30 và 17h30-18h30 với nhiều khách là học sinh, sinh viên.

Theo đơn vị quản lý buýt nhanh, sau hơn 3 tháng vận hành, loại hình vận tải này có bình quân 41,1 hành khách mỗi lượt; 13.600 hành khách mỗi ngày. Ngày cao nhất, xe buýt nhanh vận chuyển 17.400 lượt hành khách.

"Mỗi ngày chúng tôi bán ra khoảng 200 vé lẻ, có ngày cao hơn, lượng khách đông nhất vào giờ tan tầm", một nhân viên bán vé nói.

Giá vé mỗi lượt là 7.000 đồng.

Tuyến buýt nhanh này có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng). Giá mỗi chiếc xe buýt để lăn bánh trị giá hơn 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại phiên làm việc của tập thể lãnh đạo UBND thành phố sáng 28/4, Chủ tịch Hà Nội cho rằng lượng khách cao nhất của buýt nhanh chưa đạt 48 người mỗi lượt trong khi sử dụng làn xe riêng là chưa hợp lý.

“Sở Giao thông cần nghiên cứu, làm việc với Tổng công ty Vận tải để trước mắt thí điểm 6 tháng việc cho các loại xe buýt khác đi vào làn BRT, sau đó nghiên cứu mở rộng thêm một số phương tiện”, ông Chung chỉ đạo.

Ngọc Thành