(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Không phải xe buýt quá to mà là lane (làn đường) của ta không đúng chuẩn quốc tế. Chuẩn quốc tế của lane là rộng 3m5. Bề ngang của các xe to như xe buýt, xe tải 5-10 tấn, xe đầu kéo là 2m2 đến 2m35 (khoảng cách lớn nhất mà trục bánh xe có thể chịu đựng được), thêm hai cái gương chiếu hậu thì xấp xỉ 2m5.
Như vậy, khi lane 3m5 thì sẽ chừa chỗ cho xe mô tô cảnh sát giao thông chạy lên ra hiệu gì đó với tài xế mà không phải lấn vào lane khác. Giải tỏa mở rộng đường không để ý đến kích thước tiêu chuẩn thì người Việt ta cứ lấy chiều rộng của lòng đường ra chia cho số lane cần thiết rồi cứ thế kẻ vạch sơn giao thông. Nếu bạn để ý sẽ thấy có nhiều đường lane to lane nhỏ không giống nhau.
Có lane xe buýt đậu vẫn còn dư chỗ, có lane chiều ngang xe buýt chiếm hết chiều rộng của lane. Lane 3m5 thì xe nào (xe hơi) cũng được chạy. Tuy nhiên vẫn có lane 2m5 chỉ dành cho xe con. Đường nào kẻ lane này mặc nhiên cấm các loại xe to (bao gồm cả xe buýt), không cần phải để biển thông báo cấm xe này xe nọ.
>> Tôi thức dậy từ 5h để bắt xe buýt đi làm
Xe tải 1,5 tấn trở xuống có chiều ngang cũng chỉ tương đương xe con nhưng nhiều tuyến đường vẫn cấm xe tải loại này, chả hiểu nguyên nhân vì sao. Những xe tải nhỏ này là phương tiện giúp người ta dọn nhà, di chuyển đồ đạc cồng kềnh, giao hàng lặt vặt, ....cấm những xe này là bất hợp lý.
Việt Nam mình có thói quen "giờ cao điểm thì cấm tải". Cấm tải là cấm tất mọi loại tải bao gồm cả tải 0,5 tấn có kích thước có khi còn nhỏ hơn cả xe con. Người ta không cấm tải vì xe tải là phương tiện chở hàng trực tiếp liên quan đến lưu thông kinh tế. Tuy nhiên người ta có quy định đường nào xe tải cỡ lớn được phép chạy, đường nào không. Chẳng ai như ta, xe tải đậu dài dài chờ qua giờ cao điểm. Hết giờ cao điểm thì chạy thoải mái vào mọi con đường, đi chung với các xe khác, chẳng may xảy ra tai nạn giao thông thì người - xe xung quanh lãnh đủ.
Thường thì những con đường có mật độ dân cư cao sẽ không cho phép xe cỡ lớn chạy qua. Với xe buýt họ xây dựng làn riêng. Nhìn cái lane to đùng so với lane xe con là phân biệt ra được ngay. Lane riêng này không chỉ dùng cho xe buýt, còn dùng cho xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe có nhu cầu di chuyển khẩn cấp (của Nhà nước). Để chạy trên lane riêng này, cửa lên xuống đón trả khách phải nằm bên trái, cùng chiều với ghế tài xế. Nếu cửa lên xuống như bình thường (bên phải) thì khách sẽ bước xuống đường sao?
>> 'Muốn xe buýt phát triển, phải chấp nhận hy sinh xe cá nhân'
Những con đường có lane riêng này, chính giữa đường không phải là vạch sơn đôi hay dải phân cách cứng mà luôn luôn phải là một dải công viên nhỏ, có lối đi dẫn đến cầu thang bộ băng qua bên kia đường (hoặc hầm chui đi bộ). Bao nhiêu con đường của ta đủ tiêu chuẩn để mở lane riêng cho xe buýt? Vì sao lane này không đặt sát vỉa hè? Sát vỉa hè thì xe khác sẽ chạy như nào khi không ai được phép băng cắt chạy lên lane này?
Cho nên, muốn mở lane riêng này là không đơn giản, không phải cứ chừa ra một khoảng trống là xong việc. Việt Nam mình hay có cái kiểu bắt chước người ta về mặt hình thức mà không biết rằng họ làm cái gì cũng phải tính toán mọi thứ có liên quan một cách cẩn thận, chu đáo.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm