Kết quả siêu âm tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ghi nhận u cứng, trơn, nằm ở vị trí 1/4 phía trên ngoài của ngực phải, cách nhũ hoa 3 cm. U kích thước 5x3,4 cm, viền giới hạn rõ, không gồ ghề, không vôi hóa, không tăng sinh mạch máu.
Ngày 16/9, thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, cho biết hiện u lành tính nhưng nếu không phẫu thuật, u sẽ tăng kích thước lớn, lâu ngày hóa bọc, xuất huyết bên trong và vỡ. Lúc này, người bệnh có thể đau nhức, thiếu máu, nhiễm trùng.
Bác sĩ Tấn và êkíp khoa Ngoại Vú phẫu thuật cắt trọn. Kết quả giải phẫu bệnh xác định u diệp thể lành tính. Chị Loan được phẫu thuật tái tạo phần lõm ngực bị khuyết hổng.
"Đây là dạng u vú ít gặp, chiếm 0,3-1% trong số tất cả khối u vú", bác sĩ Tấn nói, thêm rằng đây là trường hợp u diệp thể thứ hai ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. U diệp thể còn gọi là u hình chiếc lá vì các mô xơ phát triển theo mô hình dạng lá. U diệp thể đa phần lành tính, có khoảng 30% ác tính.
U diệp thể tuyến vú xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất ở người trung niên 40-50 tuổi. Dù ác tính hay lành tính, u diệp thể đều có xu hướng phát triển nhanh, làm căng da, cứng chắc. Hiện, y khoa chưa rõ nguyên nhân gây u diệp thể. Một số yếu tố kích thích u diệp thể phát triển gồm hội chứng Li-Fraumeni (bệnh di truyền hiếm gặp), yếu tố tăng tưởng do biểu mô vú tạo ra, chấn thương, mang thai, tăng hoạt động estrogen và cho con bú.
U diệp thể lành tính hay ác tính đều được chỉ định phẫu thuật. Bác sĩ có thể cắt bỏ khối u và một phần mô xung quanh hoặc cắt toàn bộ tuyến vú (trong trường hợp u lớn, sưng, nhiễm trùng...).
Bác sĩ Tấn lưu ý dù đã lấy sạch chân và cắt đủ rộng mô xung quanh, loại u này có nguy cơ tái phát cao. Người bệnh nên tái khám định kỳ để được theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm bất thường (nếu có) và điều trị kịp thời.
Nguyễn Trăm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |