Đánh giá một cách công tâm về chất lượng sách giáo khoa hiện nay, tôi cho rằng cách viết sách đã theo hướng khoa học hơn, tốt cho tư duy, phát triển của học sinh, nên về nội dung cơ bản là không có vấn đề gì cả. Có thể đôi chỗ còn có "sạn" (lỗi hình ảnh, chính tả...) nhưng chỉ cần nhà xuất bản đón nhận góp ý và chỉnh sửa dần trong các lần tái bản là được.
Còn việc có nhiều bộ sách khác nhau mà nhiều người vẫn đang phản đối, tôi cho rằng mục đích chính của việc này là tạo sự cạnh tranh, bỏ thế độc quyền, chiều theo dư luận xã hội. Nếu các bạn để ý, trước đây, cứ mỗi năm học mới là phụ huynh học sinh lại than vãn điệp khúc "độc quyền sách giáo khoa" khi mọi yếu tố từ nội dung, hình thức, đến giá sách đều do một nơi quyết định. Giờ đây, khi Bộ Giáo dục & Đào tạo đã lắng nghe ý muốn của người dân, làm nhiều bộ sách để có thêm sự lựa chọn, thì người ta lại quay lại đòi bỏ.
Tôi còn nhớ hồi đó, khi học sinh cả nước dùng chung một bộ sách, các phụ huynh liên tục gây áp lực, kịch liệt đòi bỏ độc quyền sách, vì nghĩ rằng làm thế sẽ giảm chi phí, nâng cao chất lượng... Nhưng sự thật đắng lòng là kết quả sau khi bỏ độc quyền, có nhiều sự lựa chọn lại rất đau, như chúng ta đang thấy bây giờ. Tiền thì tất nhiên là vào tay các nhà xuất bản rồi. Hồi xưa chỉ có Nhà xuất bản Giáo dục làm sách, còn bây giờ bỏ độc quyền thì Nhà xuất bản nào được chọn nhiều sẽ có lợi nhuận cao, đó là quy luật thị trường tất yếu.
>> 'Sách giáo khoa tiền triệu học chưa hết đã phải bỏ'
Theo dự thảo Luật Giá mới nhất, phương án định giá sách giáo khoa lại thay đổi. Bộ Giáo dục & Đào tạo được giao "quyết định giá cụ thể của từng loại sách giáo khoa", thay vì để nhà xuất bản tự quyết dựa trên mức trần do Nhà nước quy định.
Nói về giá sách, để in một quyển sách bất kỳ, nhất là sách giáo khoa, không phải đơn giản chỉ là photocopy lại là xong. Ngoài "quyền in ấn" còn nhiều quyền và nghĩa vụ khác. Các bạn cứ lật phía cuối quyển sách mà xem còn bao nhiêu bộ phận góp phần tạo nên một cuốn sách. Thế nên, bỏ độc quyền dĩ nhiên sẽ kéo theo những vấn đề phức tạp về giá các bộ sách. Còn nếu chỉ bỏ độc quyền in ấn như một số người đòi hỏi thì khác gì in lậu? Mà hàng lậu thì đương nhiên luôn rẻ vì chỉ tốn tiền giấy in, nhưng đó là vi phạm pháp luật.
Tôi cho rằng, vướng mắc hiện tại của sách giáo khoa chủ yếu là việc người học không thể tái sử dụng sách. Lý do là các nhà xuất bản liên kết với các tác giả làm sách giáo khoa theo hướng làm bài tập thẳng vào sách. "Chiêu trò" này giúp các Nhà xuất bản đảm bảo nguồn thu hàng năm. Nên nếu muốn giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng chỉ cần loại bỏ các cuốn sách bài tập này ra khỏi bộ sách, học sinh muốn làm bài tập thì làm ra vở riêng. Thế là xong!
Khi đó, các tác giả, Nhà xuất bản vẫn có thể cạnh tranh với nhau cả về giá và nội dung sách. Trong khi đó, sách giáo khoa hoàn toàn có thể sử dụng lại. Năm học mới, phụ huynh nào có điều kiện thì mua sách mới, còn ai không dư dả có thể dùng lại sách cũ hoặc trao đổi sách (trường hợp dùng khác bộ sách) với nhau. Tóm lại, thị trường sẽ tự điều tiết giá cả các bộ sách sao cho phù hợp nhất với túi tiền và nhu cầu của người sử dụng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.