Từ khi bộ Giáo dục & Đào tạo ra quyết định từ năm học 2022 - 2023 các em học sinh THPT sẽ lựa chọn môn học theo sở thích, sở trường, theo tổ hợp môn, đã có rất nhiều ý kiến, thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn, báo chí.
Vấn đề đầu tiên đó là nếu học sinh tự do lựa chọn môn học mình thích trong tổ hợp thì các môn khác sẽ học thế nào? Mục đích của việc cho học sinh chọn lựa môn học đúng với sở thích, sở trường là để các em có hứng thú với môn học mình chọn, phát huy hết khả năng của mình với môn học cũng như ngành nghề liên quan sau này.
Nhưng lại nảy sinh khá nhiều vấn đề. Ví dụ, các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật gần như các trường sẽ không có giáo viên dạy. Do đó, đa số các trường vẫn sẽ chỉ có các môn học như vốn có và các môn bắt buộc khác sẽ do giáo viên chủ nhiệm, giáo viên Giáo dục công dân, Lịch sử kiêm nhiệm. Nhưng nếu để các em lựa chọn sẽ dẫn tới nhiều môn không được chọn, nhà trường sẽ thừa - thiếu cục bộ giáo viên.
Vấn đề thứ hai là với môn Lịch sử. Khi biết môn Sử trở thành môn tự chọn, nhiều người đã phản đối vì cho rằng có thể khiến học sinh quên mất lịch sử đất nước, làm giảm bớt lòng yêu nước, không biết đến những chiến công hào hùng của dân tộc... Và mới đây, Bộ Giáo dục & Đào tạo lại xem xét cho môn Lịch sử là môn học bắt buộc, đồng nghĩa với việc tất cả các tổ hợp phải bỏ đi một môn nào đó.
Như vậy, các em đã chọn tổ hợp KHXH lẽ ra được chọn thêm hai trong các môn Lý, Hóa, Sinh, Tin, Công nghệ, thì giờ chỉ có thể chọn một môn nữa, giáo viên các môn này lại giảm thêm số tiết dạy. Thậm chí, nhiều trường có thể không cần giáo viên một số môn như Tin, Công nghệ, thậm chí cả Sinh nữa vì không có người học.
Tôi thấy các em chọn tổ hợp KHXH vốn đã có môn Sử rồi thì lẽ ra không cần môn bắt buộc là Sử nữa. Nếu vừa có Sử bắt buộc, lại thêm Sử tự chọn thì học sinh sẽ phải học Sử quá nhiều. Nên quy định trong tổ hợp KHXH không có môn Sử như tổ hợp KHTN thì mới buộc phải chọn học Sử.
>> 'Nếu trượt cấp ba, con tôi không biết làm gì'
Vấn đề thứ ba là việc học sinh chuyển trường sau này. Đây là vấn đề rất khó đối với các em. Ví dụ, một học sinh đang học tổ hợp với các môn tự chọn là Lý - Hóa - Sinh - Lịch sử - Tin, nhưng khi các em sang trường khác, tổ hợp đó không có môn tin mà thay bằng môn Công nghệ thì học sinh phải làm sao? Chưa kể hai trường đó học bộ sách khác nhau. Cũng không thể cấm hoặc không cho học sinh chuyển trường được.
Mặc dù Bộ Giáo dục & đào tạo đã hướng dẫn việc chuyển trường là học môn chưa học trong hè nhưng như vậy chi phí sẽ cao, vấn đề người dạy, điểm số, thi cử, kiểm tra đánh giá cũng là vấn đề lớn. Hoặc em đó muốn chuyển từ kỳ II mà hai kỳ học sát nhau thì sao học kịp kiến thức kỳ I? Cũng không thể bảo học sinh phải học hết năm mới được chuyển.
Như vậy, tóm lại, có ba vấn đề tôi thấy đang gây khó cho năm học mới. Còn khoảng một tháng nữa các trường bắt đầu vào năm học, hy vọng Bộ Giáo dục & Đào tạo sớm cần nghiên cứu lại những vấn đề này: Cần thống nhất một bộ sách giáo khoa; có đối sách đối với tổ hợp KHXH đã có môn Lịch sử; có đối sách với những môn có thể sẽ không được chọn lựa như Tin, Công nghệ, thậm chí là Lý, Sinh, Hóa.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net