Một năm học mới sắp đến với học sinh cả nước và đây cũng là năm học đầu tiên mà chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng đối với cấp THPT. Việc này đã gây ra không ít tranh luận trong dư luận và tạo sự quan tâm của xã hội thời gian qua. Nhưng gần đây, khi các thí sinh lớp 10 bắt đầu nhập học vào các trường, có thêm một vấn đề nhận được sự chú ý của không ít người, đó là vấn đề lựa chọn môn tổ hợp.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh THPT sẽ học tám môn bắt buộc và lựa chọn thêm bốn môn học tự chọn (thay đổi từ bảy môn bắt buộc và nam môn tự chọn, sau khi Lịch sử trở thành môn học bắt buộc). Theo tôi, đây là một thay đổi tích cực, nhằm giảm nhiều áp lực cho học sinh khi các em có thể tập trung nhiều hơn vào những môn học phù hợp, với định hướng về ngành nghề mà bản thân muốn theo đuổi trong tương lai.
Tuy vậy, khi áp dụng chương trình vào thực tế, điều này cũng đã gây ra không ít băn khoăn từ phụ huynh và học sinh. Bản thân tôi cũng có những băn khoăn của riêng mình, vì vậy tôi viết bài này cũng nhằm chia sẻ những trăn trở của mình về việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng như muốn đóng góp những ý tưởng để khiến cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới được tốt hơn.
Băn khoăn đầu tiên của tôi là về vấn đề định hướng và đảm bảo cho học sinh chọn đúng tổ hợp môn yêu thích. Trong chương trình mới, học sinh phải chọn bốn môn học lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp sau này của bản thân. Việc này theo tôi cần phải có sự tư vấn rõ ràng để giúp học sinh xác định đúng. Tuy vậy, ta phải thừa nhận tình trạng nhiều học sinh vẫn không rõ mình có thế mạnh về môn học gì, cũng như đánh giá chưa đúng học lực của bản thân, dẫn đến chọn tổ hợp môn có thể không phù hợp, hay có những trường hợp chỉ chọn theo ý kiến từ bên ngoài mà không cân nhắc kỹ. Những trường hợp này có thể dẫn đến tình trạng học sinh bị chới với, không theo kịp chương trình.
So sánh với khi áp dụng chương trình trước đó (học sinh học đủ tất cả các môn) thì tình trạng này vẫn diễn ra khi học sinh các lớp chưa xác định được đúng phân ban, nhưng ít nhất các em có thể xin chuyển lớp mà vẫn có thể theo kịp chương trình, vì các kiến thức chung vẫn được dạy đầy đủ. Hay cũng có tình trạng đến năm cuối cấp mới xác định được phân ban để thi tốt nghiệp THPT.
Trong khi đó, với chương trình mới, trường hợp nếu học sinh đã chọn tổ hợp và trong quá trình học nhận ra rằng mình đã xác định tổ hợp không đúng với nhu cầu bản thân, nhưng gần như không thể đổi lại vì không thể bắt kịp kiến thức. Việc lựa chọn một số môn và bỏ đi một số môn đã vô tình gây ra tình trạng học sinh khó có thể chọn lại con đường, định hướng của mình, và sâu xa hơn có thể ảnh hưởng đến cả tương lai của chính các em.
>> 'Rối não' lựa chọn môn tổ hợp lớp 10
Điều khiến tôi băn khoăn nữa là làm sao có thể giúp học sinh nhìn thấy được định hướng đúng của bản thân? Ngay kể cả khi có định hướng thì việc xác định chắc và rõ một con đường tương lai cũng là rất khó, nhất là việc lựa chọn này được thực hiện bởi học sinh THPT - những người đang ở lứa tuổi có nhiều biến đổi cả về tâm, sinh lý, dễ có nhiều thay đổi về nhận thức, dẫn đến có thể không nhất quán về lựa chọn của bản thân.
Điều băn khoăn cuối cùng của tôi là khả năng đáp ứng của các trường THPT đối với sự lựa chọn của học sinh. Theo một số tính toán thì chương trình mới thì có hơn 100 tổ hợp để học sinh lựa chọn, nhưng nhiều tổ hợp lựa chọn mà nguồn lực của các trường THPT là có hạn. Với cách tiếp cận hiện tại, một trường trung bình chỉ có thể đáp ứng khoảng vài tổ hợp môn lựa chọn, và có các tổ hợp không mở như các tổ hợp có môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Vì vậy, dẫn đến việc lựa chọn của không ít học sinh không được đáp ứng. Theo tôi, nếu học sinh đã được lựa chọn thì lựa chọn ấy nên được đáp ứng bởi nhà trường, bởi nếu không, việc tạo ra chương trình với môn lựa chọn sẽ mất đi nhiều ý nghĩa.
Để giải quyết vấn đề này, theo tôi, chúng ta cần phải đảm bảo điều kiện để giúp các trường có thể đáp ứng nhiều nhất có thể những nhu cầu tổ hợp môn khác nhau của học sinh. Nếu có chương trình mới mà cách tiếp cận không thay đổi thì tôi nghĩ rằng, không thể hiện hết tiềm năng và những thay đổi tích cực của nó.
Về việc lựa chọn môn học, tôi nghĩ rằng nên cho phép học sinh được lựa chọn không giới hạn số môn tối đa, nghĩa là cho phép học sinh có thể lựa chọn từ bốn đến chín môn học tùy vào sở thích và khả năng theo kịp chương trình các môn. Bởi lẽ, nếu giới hạn số lượng các môn có thể chọn, sẽ khiến học sinh bị giới hạn nhiều mặt. Việc cho phép lựa chọn nhiều môn hơn cũng giúp học sinh linh động hơn, cũng như không cảm thấy bị gò bó vào một số định hướng nhất định.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, đối với các môn học lựa chọn, ta có thể phân ra hai phần kiến thức là cơ bản và nâng cao. Thực hiện như vậy sẽ cho phép học sinh nếu chọn học một môn sẽ học theo phần nâng cao hay cơ bản. Điều này sẽ giúp học sinh linh động hơn trong sắp xếp sự ưu tiên của mình. Những môn học sinh chọn nâng cao có thể sẽ được tính theo hệ số hai và những môn mà học sinh chọn theo hệ cơ bản có thể theo hệ số một trong thang đánh giá điểm trung bình của học sinh.
>> Giáo viên trường tôi không được chọn sách giáo khoa
Còn về việc đáp ứng các tổ hợp, tôi cho rằng điểm hay nhất trong chương trình mới ở cấp THPT đó là việc học sinh được lựa chọn môn phù hợp với định hướng. Nhưng nếu ta không đáp ứng được các lựa chọn theo mong muốn của học sinh thì việc cho phép học sinh được lựa chọn môn theo định hướng sẽ không còn mấy ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng với chương trình mới, cách tốt nhất là coi mỗi học sinh như một cá nhân riêng biệt và không gán tổ hợp các môn lựa chọn theo lớp.
Theo đó, mỗi học sinh sau khi chọn tổ hợp sẽ được chọn thời khóa biểu các môn lựa chọn cho cá nhân dựa vào những khoảng thời gian mà nhà trường đưa ra. Nhà trường sẽ sắp xếp các giáo viên theo các khung giờ phù hợp, cũng như kiểm soát số lượng học sinh đăng ký tham gia các lớp vào một khung giờ. Vào những khung giờ đã sắp xếp, giáo viên sẽ ngồi tại một phòng cố định và chờ những học sinh đã đăng ký học môn ở khung giờ đó di chuyển đến phòng để học, giáo viên bộ môn đó sẽ nhận được danh sách từ nhà trường về các học sinh đã đăng ký tham gia để kiểm diện.
Mỗi học sinh vẫn sẽ được phân về một lớp với giáo viên chủ nhiệm nhưng học sinh chỉ về lớp khi tham gia các môn học, hoạt động bắt buộc và tiết sinh hoạt chủ nhiệm, còn các môn học tự chọn sẽ thực hiện như trên. Các làm này giống với việc dạy và học tín chỉ ở bậc Đại học.
Ngoài ra, về việc đánh giá học sinh nên được cá nhân hóa và không xếp hạng chung. Giáo viên chủ nhiệm cùng các giáo viên bộ môn của các học sinh sẽ cùng nhau đánh giá toàn diện một học sinh. Về vấn đề nguồn lực, tôi nghĩ rằng ta nên đảm bảo nguồn lực tốt nhất để các trường có thể thực hiện được chương trình mới. Với cách tiếp cận như vậy tôi nghĩ rằng sẽ giúp mỗi học sinh có thể học được môn học mà mình thực sự muốn học và đã lựa chọn.
Làm được những việc trên, tôi tin sẽ giúp cho việc áp dụng chương trình giáo dục mới được tốt hơn, cũng như sẽ không gây quá nhiều xáo trộn đến việc dạy và học. Tôi mong rằng những ý kiến này nhận được sự quan tâm của các bạn độc giả để cùng đóng góp thêm ý kiến giúp chương trình giáo dục phổ thông mới phát huy tốt nhất những thay đổi tích cực mà nó mang đến.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.