Theo nghiên cứu của Trung tâm Ung thư Tưởng niệm Sloan Kettering (Mỹ), nghệ có chứa chất chống oxy hóa curcumin nên loại gia vị này thường được sử dụng trong y học để điều trị nhiều loại bệnh. Hoạt chất curcumin trong nghệ bảo vệ cơ thể theo hai tác động: tăng cường hoạt động của một enzym giải độc quan trọng và trung hòa các phân tử gây tổn thương DNA như các gốc tự do. Với các tác động này, nghệ có thể ngăn ngừa tổn thương thận do độc tố, đặc biệt là trong việc ngăn ngừa và hạn chế sự lây lan của ung thư tuyến tiền liệt.
Các nghiên cứu bổ sung cũng chỉ ra, nghệ có tác dụng bảo vệ chống ung thư ruột kết, dạ dày và da bằng cách ngăn chặn sự sao chép của các tế bào khối u. Nghệ còn có lợi cho nhiều tình trạng sức khỏe như mụn trứng cá, viêm khớp do đặc tính chống viêm.
Các nhà nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Giao thông Tây An (Trung Quốc) phát hiện ra rằng, chất curcumin trong nghệ có thể hạn chế một số con đường truyền tín hiệu tế bào, do đó làm suy yếu quá trình sản xuất tế bào khối u. Curcumin có thể ngăn chặn các nguyên bào sợi liên quan đến hình thành ung thư (các tế bào mô liên kết giữa các tế bào khối u ác tính lại với nhau và báo hiệu cho các tế bào khác tham gia gây ung thư).
Nghiên cứu khác của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu chống ung thư, Đại học Công nghệ Quảng Đông (Trung Quốc) chỉ ra, kết hợp chất curcumin và alpha-tomatine (được tìm thấy trong cà chua) giúp ngăn chặn sự phát triển của ung thư và thậm chí có thể đẩy nhanh quá trình tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Phương pháp điều trị kết hợp curcumin và hóa trị có thể tốt hơn so với hóa trị đơn thuần. Tuy nhiên, chất curcumin không được hấp thụ dễ dàng nên vẫn còn một số hạn chế trong điều trị.
Nghệ thường có ở dạng bột mịn, chiết xuất, dầu hoặc chất bổ sung. Theo Trung tâm Nghiên cứu Phòng chống ung thư Trung Quốc, mọi người có thể dùng nghệ dưới dạng trà, nên dùng 0,5-1,5 thìa cà phê nghệ mỗi ngày (tương đương 500-1500 mg curcuminoid) để tối đa hóa hiệu quả đồng thời tránh tác dụng phụ. Tiêu thụ 1/2 muỗng cà phê nghệ mỗi ngày có thể cải thiện các tình trạng như phì đại tuyến tiền liệt lành tính, bệnh vảy nến.
Bạn có thể thêm nghệ vào sinh tố hoặc bột yến mạch làm thành món ăn, rất có lợi cho sức khỏe nam giới. Kết hợp nghệ với một số loại rau như bông cải xanh, súp lơ trắng, củ cải và bắp cải có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, cũng như giảm sự phát triển của khối u.
Trung tâm Ung thư Tưởng niệm Sloan Kettering cảnh báo, bạn có thể gặp tác dụng phụ nếu dùng nghệ với liều lượng lớn. Các tác dụng phụ phổ biến là đau dạ dày và viêm da. Một số người có thể bị phản ứng dị ứng với nghệ như phát ban, sưng, đỏ nếu tiếp xúc với da. Bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa và người dễ hình thành sỏi thận khi bổ sung nghệ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Người bệnh không nên tự ý sử dụng nghệ thay cho hóa trị hoặc các phương pháp điều trị ung thư truyền thống khác. Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt hay ung thư và bệnh lý khác cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm nghệ hay bất kỳ chất bổ sung nào vào chế độ dùng thuốc hàng ngày để đảm bảo an toàn. Người đang điều trị ung thư tuyến tiền liệt như hóa trị, xạ trị hoặc liệu pháp miễn dịch, phải hoàn thành quá trình điều trị trước khi bắt đầu dùng nghệ. Nếu định phẫu thuật, hãy trao đổi với bác sĩ phẫu thuật về việc dùng nghệ vì nghệ có thể hoạt động như một chất làm loãng máu.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)