Gần nửa giờ sau, chị tỉnh lại mới gọi điện báo tin cho người thân, được đưa vào bệnh viện ở Đắc Nông cấp cứu, sau đó chuyển đến một bệnh viện tại TP HCM. Bác sĩ tư vấn chị Liên mổ cột sống, chị từ chối vì sợ liệt. Một ngày sau, triệu chứng chuyển nặng, chị được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Ngày 24/5, BS.CKI Huỳnh Trí Dũng, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết chị Liên nhập viện trong tình trạng hai chân tê cứng, liệt không đi được. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) ghi nhận cột sống L2 (S32) bị gãy xẹp nhiều mảnh thân sống, giảm gần 50% bề cao thân sống. Có mảnh gãy nằm trong đĩa đệm L1-2, có mảnh gãy lồi ra sau chen vào lòng ống sống, gây hẹp ống sống. Đường kính ống sống tại chỗ hẹp khoảng 0,6 cm. Xơ xương dưới sụn mặt chậu khớp cùng chậu hai bên, phù mô mềm quanh đốt sống L2.
Khi ngã, phần lưng của chị Liên tiếp đất trước nên không ghi nhận chấn thương đầu.
![Ảnh chụp CT đốt sống bị gãy, dập gây biến dạng cột sống của chị Liên. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/05/24/mrita-3576-1716540767.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5KOInu_BfusC3iVSy92Pug)
Ảnh chụp CT đốt sống bị gãy, dập gây biến dạng cột sống của chị Liên. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần kinh quyết định mổ bắt vít qua da giúp làm cứng, vững cột sống. Kíp mổ sử dụng hệ thống C-arm định vị được những vị trí trọng yếu để có thể nắn chỉnh, đặt ốc, vít không bị lệch trục, sai vị trí. Sau đó bác sĩ rạch da khoảng 2 cm, tiếp cận vị trí đốt sống gãy, tỉ mỉ định vị lại các cấu trúc, loại bỏ các mảnh gãy. Cuối cùng bắt vít và làm cứng đốt sống L1, L2, L3 qua da.
Hậu phẫu chị Liên tỉnh táo, giảm đau, đi lại được sau một ngày. Ba ngày sau, người bệnh hồi phục tốt, hết đau và tê chân, xuất viện.
![Chị Liên có thể ngồi sau 10 ngày phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2024/05/24/te-nga-6102-1716540767.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RA-va7QnEa1D5OUdnOgvfA)
Chị Liên có thể ngồi sau 10 ngày phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bác sĩ Dũng cho biết các thương tích do ngã có thể là gãy đốt sống lưng, cổ, tổn thương cột sống, liệt tủy, đứt tủy, gãy tay, gãy chân, chấn thương sọ não, gãy phối hợp...Trong số bệnh nhân nhập viện do thương tích ngã, có khoảng 30% bệnh nhân bị chấn thương cột sống phải mổ cấp cứu. Nhiều trường hợp chấn thương nặng như rơi lên đá, xuống giếng gây liệt, phải nằm một chỗ.
Bác sĩ khuyến cáo người làm công việc leo trèo, cần đảm bảo thang chắc chắn, có thiết bị bảo hộ cẩn thận để không xảy ra những trường hợp té ngã đáng tiếc.
Bình An
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |