Vừa qua, Sở Giáo dục & Đào tạo TP HCM đã dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 cho trường học; đồng thời dự kiến cho các trường học đón học sinh trở lại vào tháng 1/2022. Điều này theo tôi là phù hợp với chủ trương phòng, chống dịch của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với các bậc phụ huynh quay lại làm việc sau đợt giãn cách, việc này đặt ra một bài toán đau đầu cho việc gửi con ở đâu khi đi làm? Trẻ lớn học trực tuyến ở nhà cần người trông coi, trẻ nhỏ ở lứa tuổi mầm non cũng cần người chăm sóc.
Riêng với bậc học mầm non, tất cả giáo viên và công nhân viên là những đối tượng đầu tiên được ưu tiên tiêm vaccine, tuy nhiên hiện giờ lại không được tạo điều kiện đi làm. Các trường mầm non tư thục góp phần vào sự nghiệp giáo dục của thành phố cũng lao đao vì việc đóng cửa kéo dài, phải gồng gánh tiền mặt bằng chờ đợi ngày được hoạt động lại.
Hoạt động trường mầm non tư thục cũng là một mô hình kinh doanh, và cũng cần được sự chú ý, hỗ trợ của các cấp chính quyền; như các ngành kinh tế khác. Vì đặc trưng vừa làm giáo dục vừa làm kinh doanh, các mô hình trường tư thục (trường mầm non, trường ngoại ngữ, trường dạy kỹ năng sống...) thường xuyên bị bỏ quên trong các cuộc đối thoại, thảo luận về việc tạo điều kiện hoạt động trở lại của chính quyền và giới doanh nghiệp. Nếu tiếp tục kéo dài việc ngưng hoạt động, các trường tư thục sẽ khó thể đứng vững. Trong khi các trường tư thục các cấp có thể tổ chức hình thức học trực tuyến, trường mầm non tư thục gần như không thể học online vì đặc trưng học sinh quá nhỏ.
Nhằm tạo điều kiện cho bố mẹ trẻ có thể yên tâm quay lại nơi làm việc và hỗ trợ sự vận hành liên tục cho các trường mầm non tư thục, chính quyền thành phố và Sở Giáo dục & Đào tạo có thể nghiên cứu cho phép các trường mầm non hoạt động trở lại.
>> Con tôi òa khóc khi học online lớp 1
Về vấn đề tiêm chủng vaccine cho học sinh để đảm bảo an toàn, hiện tại các vaccine cũng chủ yếu được nghiên cứu phát triển cho nhóm 12-17 tuổi (vaccine Pfizer đã được thông qua và triển khai ở Mỹ), đang thử nghiệm cho nhóm 5-12 tuổi; nhưng trong tương lai gần cũng không có khuyến nghị tiêm chủng cho trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy, việc để các trường trì hoãn hoạt động đến tháng 1/2022 hoặc lâu hơn cũng không có nhiều ý nghĩa.
Chủ trương của Chính phủ là "Sống chung với dịch", nên thay vì đưa ra các quyết định, chính sách dựa trên số liệu y tế về tình hình dịch, quan trọng hơn là việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; như nội dung của Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 cho trường học của Sở.
Trong mô hình phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, thầy cô, cán bộ công nhân viên nhà trường, và học sinh cần được định kỳ xét nghiệm hàng tuần để đảm bảo không có ca lây nhiễm. Việc này có thể triển khai trong vòng sáu tháng tới một năm, phù hợp với mục tiêu phòng, chống dịch của thành phố. Thầy cô, cán bộ nhân viên nhà trường, tuy đã được tiêm chủng đầy đủ, vẫn cần xét nghiệm định kỳ hoặc ngẫu nhiên để tránh lây nhiễm. Phụ huynh gửi bé đến trường cũng cần được tiêm chủng đầy đủ.
Đối với các trường hợp học sinh có dấu hiệu cảm sốt, có thể cho nghỉ ở nhà trị bệnh. Ngoài ra, nhà trường cần chuẩn bị các phương án xử lý khi có ca xác nhận dương tính Covid-19 trong trường học, khoanh vùng xử lý trên diện hẹp, tổ chức xét nghiệm cho giáo viên và học sinh cùng lớp, tiến hành khử khuẩn phòng học.
Việc quay lại trường học là có lợi cho học sinh, tạo điều kiện cho phụ huynh đi làm. Việc tiêm chủng vaccine cho học sinh là cần thiết, và cần được lưu ý triển khai càng sớm càng tốt. Ngoài ra, Sở Giáo dục & Đào tạo Thành phố cần tạo điều kiện cho các trường sớm được hoạt động trở lại, gỡ rối cho mảng giáo dục tư thục. Với một chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học đúng đắn, tin chắc rằng chúng ta sẽ hạn chế được sự xuất hiện các ca bệnh trong trường học.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.