Vừa kết thúc tiết học online, một học sinh nán lại hỏi tôi: "Vào năm học mình có được đi dã ngoại không cô?". Tôi không biết nên trả lời em thế nào, vì chính tôi cũng thực sự băn khoăn. Có quá nhiều thứ các em đã bỏ lỡ khi việc học trực tiếp bị gián đoạn không ít lần bởi đại dịch.
Chiếc ghế trống mùa tựu trường
Tôi còn nhớ, lần cuối cùng cô trò chúng tôi gặp nhau trực tiếp là hôm cả trường tất bật dọn dẹp để kết thúc năm học sớm hơn dự kiến, vì làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi dự lễ tổng kết năm học theo hình thức trực tuyến.
Trước đó, lễ tri ân và trưởng thành dành cho học sinh lớp 12, dịp được mong chờ nhất của các em cũng bị hủy. Trại xuân truyền thống hàng năm, dịp quy tụ học sinh, phụ huynh, cựu học sinh và giáo viên từ nhiều thế hệ, cũng bị hoãn khi thời gian đếm ngược chỉ còn tính bằng giờ, không khí mùa xuân đã tưng bừng và mọi thứ đã sẵn sàng.
Một điều dễ nhận thấy, nhiều kỹ năng và nội dung kiến thức khó có thể được rèn luyện khi học trực tuyến. Một trong số đó là việc được quan sát trực quan và tự tìm hiểu, khám phá thông qua những trải nghiệm thực tế. Có nhiều hoạt động, chỉ có học trực tiếp mới được diễn ra như các kỳ dã ngoại, chương trình ngoại khóa, dự án thực tế, những cơ hội giúp học sinh thực hành kỹ năng sống. Hơn nữa, khi số ngày phải loanh quanh trong nhà quá lâu, tôi có phần lo lắng cho sự phát triển toàn diện của trẻ em về các phương diện như trí tuệ, thể chất, tinh thần.
Theo thống kê được công bố đầu tháng 3/2020 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có hơn 168 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được đến trường do Covid-19. Khung cảnh "lớp học đại dịch" được đặt ngay trước trụ sở Liên hợp quốc với 168 bộ bàn ghế trống, mỗi ghế đại diện cho một triệu trẻ em, đã cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng giáo dục".
Gần đây, trong một báo cáo vào tháng 4/2021, Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) cho biết, 1,5 tỷ học sinh ở 188 quốc gia đã phải nghỉ học vì dịch bệnh, chiếm hơn 91% số học sinh toàn thế giới. Những con số này dự báo một viễn cảnh không mấy tươi sáng khi nhiều học sinh trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước nghèo, rất có thể sẽ không quay trở lại trường học vì sức ép kinh tế sau đại dịch.
>> 'Con tôi học online cho có'
Linh động trong giai đoạn thử thách
Ngày 18/8, Sở GD&ĐT đã trình UBND TP HCM kế hoạch năm học 2020-2021 tại đại phương. Năm học mới khó có thể bắt đầu theo hình thức trực tiếp, cả ba kịch bản đều đề cập đến phương án học trực tuyến.
Sắp tới, có lẽ cũng là lần đầu tiên học sinh không có lễ khai giảng, hoặc sẽ dự một buổi lễ trực tuyến. Phụ huynh đã bắt đầu tìm mua sách cho con, hoặc tải sách từ internet. Giáo viên bắt đầu điều chỉnh giáo án phù hợp với điều kiện lớp học, đưa ra nhiều ý tưởng sáng tạo để việc dạy và học online hiệu quả hơn.
Nhiều địa phương ở Việt Nam, học sinh không có máy tính, điện thoại, hay không đủ điều kiện truy cập internet tại nhà, giáo viên đã quyên góp để hỗ trợ các em. Tại Ấn Độ, nhiều học sinh thu gom ve chai đem bán để đổi lấy số giờ truy cập internet, đổi lấy cơ hội học tập. Và còn rất nhiều nỗ lực khác trên toàn thế giới giúp trẻ em có thể duy trì việc học và tiếp cận tri thức trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay.
Dẫu biết rằng, học trực tuyến vẫn là giải pháp tình thế trong giai đoạn giãn cách kéo dài. Nhưng nhiều người đều nhận thấy, học sinh ở mọi cấp học phải chịu thiệt thòi, thậm chí tổn thương và tâm lý bị ảnh hưởng. Môi trường học tập với những tương quan bạn bè, thầy cô, cơ hội giao lưu học hỏi, hoạt động vui chơi, kỷ niệm học đường... có thể xem là "khía cạnh thiết yếu" của tuổi thơ, tác động trực tiếp đến sự phát triển của thanh thiếu niên.
Hình ảnh "lớp học đại dịch" cùng thực tế từ nhiều tháng nay, mỗi ngày lên lớp, trước mắt tôi đều là những chiếc bàn trống, đã khiến tôi không khỏi chạnh lòng.
Nhưng giáo viên chúng tôi, ngày đêm vẫn cố gắng linh động trong mọi tình huống, để truyền cảm hứng cho học sinh nhiều nhất có thể và không nguôi hy vọng trường học sẽ sớm được mở cửa trở lại, theo cách còn tốt hơn so với trước đây.
>> Bạn dạy con học online thế nào? Chia sẻtại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.