"Là một phụ huynh có con năm nay vào lớp 1, đã trải qua hai tuần học online, tôi hoàn toàn ủng hộ trẻ lớp 1 học online. Học online là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược trong tình hình dịch bệnh hiện tại. Do vậy, phụ huynh và học sinh nên tìm cách thích nghi hơn là bàn lùi. Khi con tôi bắt đầu vào năm học theo hình thức online, tôi chỉ mất khoảng một, hai ngày đầu để rèn luyện thói quen cho con, từ cách mở máy, vào lớp học, nhớ thời khóa biểu... Đến giờ, con học online, tôi thậm chí còn có nhiều thời gian rảnh để làm việc hơn giai đoạn con nghỉ hè, vì khi đó luôn phải nghĩ ra các trò để chơi với con cho đỡ buồn".
Đó là chia sẻ của độc giả Minh Hoang xung quanh câu chuyện "Con tôi òa khóc khi học online lớp 1". Năm học mới, các trường trên cả nước tiến hành dạy học trực tuyến ở nhiều bậc học khác nhau. Nhiều phụ huynh có con ở tuổi Tiểu học, đặc biệt là những em mới vào lớp 1 tỏ ra lo lắng, lúng túng khi phải giúp con làm quen với môi trường học tập mới. Cũng có nhiều ý kiến lo ngại chất lượng dạy và học online, đồng thời cho rằng phương pháp này không phù hợp với trẻ lớp 1.
Trong khi đó, lấy dẫn chứng từ chính bản thân, bạn đọc lại ủng hộ Tnhandangthanh học online: "Tôi mừng rơi nước mắt khi nhà trường thông báo cho các con học online năm học này. Bé nhà tôi năm nay lớp 6, từ tháng 5 con đã nghỉ dịch. Ban đầu, con còn được đi siêu thị, ôm bóng xuống công viên chơi, nhưng khi dịch phức tạp, con không được đi đâu, thậm chí không được xuống công viên nội khu của chung cư tôi đang ở. Nghỉ học được hơn một tháng, con bắt đầu thấy chán vì không có người chơi cùng, trong khi mẹ lại bận làm việc online. Con chỉ quanh quẩn chơi xếp hình, điện thoại, rồi xem tivi... nhưng thứ nào cũng được vài ngày là chán, ra vào than ngắn thở dài, hỏi mẹ 'khi nào được đi học lại?'.
Đầu tháng 7, nhà trường liên lạc, ngỏ ý cho các con học hè online, để chuẩn bị, làm quen, vì có thể vào năm học chính thức vẫn sẽ học online. Tôi đã đồng ý ngay lập tức. Khóa học hè kéo dài một tháng, giúp con làm quen với Google, các ứng dụng học online, cách nộp bài tâp... Học xong, các con còn được ở lại nói chuyện với bạn bè cho đỡ nhớ. Từ ngày được học, con tôi vui hẳn, mẹ cũng nhẹ gánh, tập trung vào công việc hơn.
Giờ đây, con vào học chính thức được một tháng, tôi thấy chương trình lớp 6 nhưng khá nhẹ: buổi sáng ba tiết, chiều hai tiết. Đôi khi, con cũng không tập trung lắm, làm việc riêng khi cô giảng bài, hoặc bày đủ trò để qua mặt cô giáo. Nhưng dù sao, có học, có bận rộn, vẫn còn hơn không làm gì, suốt ngày ôm điện thoại, tivi. Tôi nói thế không phải vô cảm với những người không có điều kiện cho con học online, nhưng thời buổi dịch bệnh này, không biết khi nào trẻ mới được đi học lại bình thường, nên học online là cần thiết. Nếu năm nay không hiệu quả thì năm sau thầy trò cũng có thêm kinh nghiệm, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn".
>> Tôi hoàn toàn ủng hộ trẻ lớp 1 học online
Đồng quan điểm, độc giả Trì cho rằng: "Ai cũng muốn cho trẻ đi học, nhưng với tình hình dịch chưa biết đến bao giờ mới kết thúc, thì học online vẫn là sự lựa chọn tốt nhất. Nhiều người bảo 'sao không lùi năm học lại hai, ba tháng?', nhưng nếu hai, ba tháng nữa vẫn còn dịch, lúc đó chúng ta mới bắt đầu chọn học online thì cũng vẫn gặp phải những khó khăn y như bây giờ. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng thời gian hai tháng này để vừa giúp các em thực hành vừa điều chỉnh dần dần, mọi chuyện sẽ sớm vào nếp.
Con tôi lên lớp 2 cũng đã có kinh nghiệm học online thuần thục. Chỉ cần một laptop có cài phần mềm điều khiển từ xa là tôi có thể vào trợ giúp con bất cứ khi nào con cần. Vậy nên, con đang ở quê nhưng cũng có thể tự học online thoải mái".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học online trong thời điểm này, bạn đọc Nhan Hoang bày tỏ: "Dạy và học online là xu thế tất yếu. Dịch bệnh lần này là cú hích để đẩy nhanh hơn việc áp dụng hình thức học này. Giờ đây, giáo viên và phụ huynh nên cùng thảo luận để làm sao làm cho trẻ thích nghi và sớm hòa nhập với phương pháp học mới. Ngay cả đi học theo cách truyền thống, rất nhiều bé ngày đầu đến trường cũng khóc đòi về đó thôi. Nói chung, khi có sự thay đổi, khi tiếp xúc người lạ thì phản ứng của trẻ ban đầu luôn là lo sợ, dù mức độ và cách phản ứng khác nhau, nhưng dần dần sẽ quen.
Do vậy, giáo dục phải là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và xã hội. Trong mỗi thời đại sẽ có những phương pháp sống, học tập và làm việc phù hợp, kinh nghiệm quá khứ giúp chúng ta cải thiện và phát triển, chứ không thể là hình mẫu hoàn hảo".
Đó cũng là suy nghĩ của độc giả Thucb1709050: "Đây là lý do tại sao phần đông học sinh Việt không thể tự lập sau khi bậc tiểu học. Chẳng phải chúng ta từng ngưỡng mộ đất nước Nhật Bản khi những đứa trẻ tiểu học có thể tự đi tàu điện, xe buýt để đến trường mà không cần phụ huynh đưa đón như ở nước ta? Vậy tại sao chúng ta không rèn trẻ tự lập ngay từ bây giờ? Những lý do như việc sợ người lạ, thương con vì sợ chúng không thoải mái... chỉ là những nuông chiều và khiến trẻ cảm thấy ỷ lại.
Tôi nghĩ, giáo dục là một quá trình và lớp 1 là nơi để chuẩn bị kiến thức cho lớp 2. Những đứa trẻ lớp 1 vốn được cho là ham chơi hơn học. Thương thì thương nhưng dạy vẫn phải dạy cho hợp tình, hợp lý. Khó khăn là để vượt qua chứ không phải là lý do để chúng ta ngụy biện cho việc không làm được".
Thành Lê tổng hợp
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.