"Tôi rất đồng cảm với quan điểm nên dời ngày khai giảng lại 1-2 tháng đến khi tình hình dịch Covid-19 tạm lắng. Tôi cũng là một giáo viên mới vào nghề được vài năm, đang công tác tại TP HCM. Cứ thử hình dung một giáo viên ngồi trước màn hình máy dạy online khi người thân xung quanh vẫn còn đang chịu đau đớn, vật lộn vì dịch bệnh, liệu họ có thể an lòng, dồn hết tâm huyết của mình vào bài giảng? Ngược lại, các học sinh có thể tập trung vào bài giảng, lắng nghe một cách thích thú khi ba mẹ, người thân của chúng đang bị cách ly, điều trị...?
Chúng ta không nên lấy lý do số học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đang ít hơn số học sinh có thể học bình thường, để tiến hành năm học. Tôi cho rằng điều đó không đem lại giá trị nhân văn vốn có của giáo dục. Duy trì kế hoạch giáo dục là tốt, nhưng để việc học mang lại niềm vui và ý nghĩa thì giai đoạn hiện tại thật khó để đảm bảo được.
Việc học online có thể đem đến sự an toàn tạm thời về sức khỏe cho giáo viên và học sinh, nhưng đó không phải là liều thuốc giúp chữa lành vết thương tâm lý cho cả người dạy và người học. Phòng chống dịch vẫn là một cuộc chiến dai dẳng và chúng ta chỉ có thể dùng sự lạc quan, tâm lý vững vàng để đương đầu với nó".
Đó là quan điểm của độc giả Hoangthong96 xung quanh câu chuyện học online trong năm học mới. Hiện, nhiều tỉnh, thành đã xác định dạy học trực tuyến trong giai đoạn đầu năm học, chẳng hạn Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Bình Dương. Điều này khiến nhiều phụ huynh, đặc biệt là người có con học lớp 1, lo lắng.
>> 'Con tôi học online cho có'
Đồng quan điểm, bạn đọc Hân Hân cho rằng: "Khai giảng vào thời điểm nào là do chúng ta quyết định, nhất là khi việc dạy và học cần sự sẵn sàng và tinh thần tốt nhất có thể từ phía giáo viên và học sinh, không nên cứng nhắc cứ tháng 9 hàng năm là phải khai giảng. Tôi tự hỏi, tại sao không để dịch lắng xuống, mọi người đều nhẹ nhõm trong tâm trí rồi mới cho học sinh tựu trường? Khi đó, chẳng phải phụ huynh học sinh cũng như bản thân các em cũng có đầy đủ điều kiện và tình thần để đến trường học tập sao?
Nếu việc học online có hiệu quả, thay thế được sách giấy, học trên lớp thì có lẽ bắt đầu năm học từ xa không có vấn đề gì phải tranh cãi. Nhưng thực tế, học online chỉ phù hợp với những cấp học cao hơn, chứ không phải ở quãng đầu cấp như lớp 1, lớp 6. Khi mà người ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể là thầy cô giáo, là cha mẹ học sinh hay người thân của họ, thì liệu các em có xứng đáng được chờ thêm một thời gian nữa, đợi khi dịch bệnh lắng xuống, được yên ổn trong vòng tay gia đình, rồi mới tính chuyện học hành?".
Cùng chung nỗi trăn trở về chất lượng giáo dục khi việc học online được áp dụng cho năm học mới, độc giả Bố Cháu Nó bày tỏ: "Giờ đây, dịch bệnh vẫn đang hoành hành trên mọi miền, và không phải ai cũng có điều kiện để con em học online.
Chắc chắn sẽ có người nói rằng 'bây giờ là thời đại 4.0 rồi, chúng ta phải biết theo kịp công nghệ này kia, hay các nước khác đã học online từ lâu...". Tôi hiểu, nhưng đó là khi công nghệ thông tin và đời sống họ khá hơn nước ta. Hiện giờ, cả nước đang gồng mình chống dịch, cái ăn vẫn phải lo từng bữa, nên theo quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta có thể hoãn năm học tới khi nào cả nước khống chế được dịch, bố mẹ các em học sinh an tâm đi làm, nhà trường an toàn mở cửa trở lại. Tôi tin việc học vẫn không hề muộn. Nghỉ học vài tháng cũng không sao, nhưng nghỉ làm, nghỉ ăn vài tháng nữa thì chắc ai cũng lường trước được hậu quả".
>> 'Tôi luyện cho con học online suốt hè'
Trong bối cảnh dịch, học online là bắt buộc, nhưng thực tế, hiếm có lãnh đạo nhà trường nào tự tin và lạc quan với chất lượng khi dạy online với trẻ nhỏ, nhất là lớp 1. 2021-2022 là năm học hoàn toàn khác vì rất ít học sinh được học tiền tiểu học đầy đủ, bài bản, cô trò chưa biết mặt và không có thời gian làm quen với nhau.
Ủng hộ quan điểm nên lùi năm học thay vì cố dạy và học online, bạn đọc Angelaelizabethuk chia sẻ: "Tôi vẫn thường nghe tin tức về những khó khăn trong ngành giáo dục ở các địa phương về mọi phương diện trong đại dịch này. Trong hoàn cảnh nhiều gia đình còn đang phải lo cho bữa ăn hàng ngày; nhiều giáo viên, học sinh vùng bị dịch không thể tập trung tâm trí để giảng dạy, học hành khi phải lo chống dịch; bản thân thầy cô và các em vẫn còn đang phải đi cách ly, bố mẹ các em đang thực hiện 'ba tại chỗ' trong nhà máy... Với những hoàn cảnh như thế, việc học ngay lúc này có thể chỉ là mang tính hình thức.
Ngoài ra, giai đoạn này, cũng thật khó khăn cho việc học tập khi các em không thể có đầy đủ phương tiện công nghệ, cũng như hạn chế trong khả năng tiếp cận việc học online. Vì vậy, tôi hoàn toàn đồng cảm với quan điểm nên lùi năm học mới thêm một, hai tháng, đồng bộ trên cả nước. Hãy chậm lại một chút để dìu nhau qua khó khăn".
Độc giả Anh nói thêm: "Tôi có một bé năm nay vào lớp 1. Mới hôm kia, tôi nhận được điện thoại của nhà trường hỏi về tình trạng trang thiết bị online tại nhà có đảm bảo cho con học tập? Sau đó, đến giáo viên chủ nhiệm của con lớn, năm nay lên lớp 3, cũng làm cuộc khảo sát với phụ huynh về việc đảm bảo thiết bị học online cho các bé. Nhưng rồi tất cả những sự quan tâm của nhà trường cũng chỉ dừng lại được ở đó.
Đúng là nhà tôi có đầy đủ thiết bị học online cho con, nhưng còn điều kiện học, hoàn cảnh học... và biết bao vấn đề xung quanh khác liệu có được đảm bảo? Không phải học sinh cứ có thiết bị học là đủ, chất lượng giáo dục, hoàn cảnh gia đình, nhiệt huyết trong học tập của các em... cũng rất cần được quan tâm. Các gia đình đã rất khó khăn để trang bị máy móc, mạng internet cho con học online, nay lại thêm sách giáo khoa điện tử, không có hai thiết bị đồng thời thì làm sao vừa học vừa coi sách điện tử? Chúng ta đưa giải pháp nhưng cũng cần nghĩ đến người dân đang khó khăn như thế nào?".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.