Tình trạng học bạ đẹp như mơ của học sinh cho thấy có sự lệch lạc trong giáo dục ở những trường chuyên. Ba tháng trước thi học sinh giỏi quốc gia, một cựu học sinh trường chuyên không học trên lớp, cũng vắng mặt trong tiết kiểm tra học kỳ nhưng vẫn có bảng điểm đẹp, "đều như bắp".
Tôi cũng là một cựu học sinh trường chuyên, được mọi người đánh giá có cuộc sống khá thành công nhưng tôi không hề ủng hộ trường chuyên. Nhiều người bảo rằng không thể bỏ trường chuyên được, vì đó là "thể diện" của ngành giáo dục, nơi tập trung "những nhân tài".
>> Trường chuyên có là trụ cột giáo dục
Nhưng học sinh "nhân tài" hay "xuất sắc" ở trường chuyên là chuyện đường nhiên, vì được tuyển chọn từ những học sinh xuất sắc ở các trường THCS mà ra. Học sinh trường chuyên đa số học lệch môn chuyên vì sứ mệnh thi HSG quốc gia mà ra. Nhiều người bạn của tôi lúc học ở trường chuyên thì rất xuất sắc, nhưng lúc chọn nghề nghiệp thì lại hụt hẫng một thời gian dài.
Học sinh vào trường chuyên thường có những nguyên nhân sau đây: một là mục tiêu của chính học sinh đó, hai là yêu cầu của bố mẹ. Nhưng dù là nguyên nhân gì đi nữa thì học chuyên sẽ gây lệch kiến thức khi quá chú tâm vào một môn học, còn những môn khác học qua loa, thậm chí không học không thi cũng có điểm trong học bạ.
Về phần học môn chuyên, ôn luyện, giải bài tập nâng cao sau ba năm THPT sẽ chẳng còn gì sau kỳ thi THPT Quốc gia. Lượng kiến thức, công sức của hàng nghìn học sinh chuyên bị lãng phí là cực kỳ lớn. Bởi có bao nhiêu phần trăm học sinh chuyên tiếp tục học, nghiên cứu chuyên sâu ngành ĐH có liên quan đến môn học chuyên?
Trong khi đó, theo một ý kiến khác, tác giả đã nhận xét những kỹ năng, am hiểu về nghệ thuật, năng khiếu của học sinh Việt là rất thấp. Làm sao tìm hiểu âm nhạc, nhạc lý, mỹ thuật - hội họa, chơi đàn, vẽ tranh khi vùi đầu vào môn chuyên và kỳ thi HSG quốc gia?
>> Tôi không đồng tình 'xóa sổ' trường chuyên
Ở giai đoạn giáo dục trước, thập niên 80-90, trường chuyên có vai trò lịch sử quan trọng, đó là "gom" học sinh thật giỏi để du học nước ngoài ( chủ yếu Liên Xô, Đông Âu...) để học tập kiến thức, công nghệ mới rồi về phục vụ đất nước.
Nhưng với giai đoạn "thế giới phẳng" như hiện nay, trường chuyên có thực sự cần thiết khi tri thức được phổ biến dễ dàng thông qua internet. Kiến thức không còn là "độc quyền" chỉ những học sinh vào trường chuyên mới được các thầy cô giàu kinh nghiệm truyền thụ.
Tôi cho rằng trường chuyên đã mất vị thế của nó và không còn phù hợp với hệ thống giáo dục nữa. Những cái gì không còn phù hợp thì nên nghiên cứu đề xuất hướng hoạt động mới, hoặc giải thể.
Minh Thanh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.