(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Diễn đàn đang "nóng" về cuộc tranh luận, nên hay không nên để mô hình trường chuyên. Người muốn "bán" cũng có cái lý của mình, người muốn giữ cũng đưa ra nhiều luận điểm thuyết phục. Nhà quản lý sẽ lắng nghe như thế nào để có quyết định đúng đắn nhất, không đơn thuần chỉ để làm hài lòng bên nọ hoặc bên kia. Điều quan trọng là để giáo dục thực hiện đúng sứ mệnh lớn lao của mình.
Trong một bài viết liên quan, tôi đã có lần đề cập đến bốn trụ cột mà giáo dục phải thực hiện theo triết lý giáo dục của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc): "Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình".
>> Tôi không đồng tình 'xóa sổ' trường chuyên
Theo đó, học để biết là việc trang bị cho học sinh kiến thức, bồi dưỡng năng lực tư duy để nâng hạng IQ. Với chức năng này, hệ thống giáo dục sẽ phải xây dựng một chương trình khoa học, sách giáo khoa phù hợp với năng lực và trình độ của học sinh theo từng cấp, cùng với đó là phương pháp dạy kích thích tư duy sáng tạo của học sinh.
Học để làm là việc đào tạo, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Sao cho sau quá trình học tập, đào tạo, học sinh hoàn toàn có thể "link " được giữa những gì mình đã học với những gì mình có thể làm và cả những gì cuộc sống đòi hỏi.
Học để chung sống là giáo dục khả năng hòa nhập, thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội tích cực. Trong đó có những giá trị quan trọng như sự chia sẻ, lòng yêu thương, trách nhiệm... Đây là cách phát triển chỉ số EQ, một chỉ số quan trọng trong cuộc sống mỗi con người
Học để khẳng định mình là việc thông qua quá trình học tập, học sinh có khả năng phát triển bản thân. Nhận diện được chính mình cũng như hình dung được đường hướng cho tương lai. Phát triển bản thân bao gồm cả sự tích luỹ vốn tri thức, các kỹ năng thiết yếu phục vụ cuộc sống và khả năng giao tiếp, ứng xử cùng nhiều kỹ năng khác...
Ở trụ cột thứ nhất, nền giáo dục Việt Nam đã thực hiện tốt. Bằng chứng là tỷ lệ học sinh khá giỏi mỗi năm đều rất cao. Và số lượng học sinh thi đấu các giải quốc tế cũng luôn nằm trong các top đầu.
Ở trụ cột thứ hai, về cơ bản, giáo dục Việt Nam cũng đã cố gắng để hoàn thành sứ mệnh của mình. Hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp xuất hiện với quy mô dày đặc. Thậm chí có cả mô hình đào tạo nghề trong trường phổ thông.
Chương trình và phương pháp giảng dạy cũng định hướng thực tiễn khá rõ. Tuy rằng việc vận dụng kiến thức đã được học của học sinh trong các thiết chế giáo dục vào cuộc sống vẫn còn nhiều điều phải băn khoăn.
>> Ngộ nhận học sinh trường quốc tế 'học ít, chơi nhiều'
Điều đáng nói chính là trụ cột thứ ba và thứ tư theo quan điểm của UNESCO: "Học để chung sống" và "Học để khẳng định mình" chưa thực sự thấm nhuần trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam.
Việc "đóng khung" các tiêu chuẩn với những đòi hỏi, yêu cầu thiên về kiến thức khi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp. Thậm chí ngay cả tuyển sinh đại học, sự thiếu chú ý đến các vấn đề cốt yếu khác thực sự cần thiết cho mỗi cá nhân là minh chứng cho điều đó.
Những cuộc "chạy đua" về thành tích, điểm số, đã biến học sinh thành cái "máy học" và chịu áp lực trước kỳ vọng của cả gia đình và nhà trường. Học tập không còn là hứng thú mà là nghĩa vụ, là bổn phận và trách nhiệm. Trong khi chúng ta có khuynh hướng "Học sinh có quyền sai", thì những bảng điểm toàn 10 của học sinh lại có vẻ thượng tôn cho một triết lý "Học sinh cần phải đúng".
Hãy khách quan mà nhìn nhận thì sẽ thấy, học sinh Việt Nam khá khó khăn khi thực hiện giao tiếp xã hội. Thường năng lực đó hoặc gắn với thiên bẩm, hoặc là sản phẩm giáo dục của gia đình.
Khả năng rèn luyện các kỹ năng để chung sống của các em phải bắt đầu từ chương trình, sách giáo khoa, từ phương pháp của người thầy.
>> Trường công, trường quốc tế và du học
Nhưng chương trình dày đặc kiến thức, trong đó có những lượng kiến thức khá hàn lâm, đã khiến học sinh nếu chỉ học trên lớp không chưa đủ, và việc học thêm diễn ra như một nhu cầu tất yếu.
Những bài giảng hiếm hoi về kỹ năng sống lại nằm trong chương trình ngoại khoá, và đa số các thầy cô khi giảng lại tiếp tục biến thành những giờ học nặng tính thuyết lý. Kết quả, học sinh chỉ suốt ngày học mà không còn đủ thời gian để hoà nhập, để phát triển bản thân theo hướng toàn diện.
Trong một lần đi giảng cho Tổng cục Thống kê, tôi đã hỏi học viên: Đã bao giờ ngành thống kê thực hiện việc thống kê xem số lượng học sinh các trường chuyên là bao nhiêu, tỷ lệ học sinh chuyên sau khi ra trường trở thành "tinh hoa" và có đóng góp cho xã hội là bao nhiêu? Rất tiếc chưa có một công trình nào thực hiện việc khảo sát này.
Do đó rất khó lượng hoá để cung cấp cho các nhà lãnh đạo ngành giáo dục những cơ sở khoa học khi ra các quyết sách. Nhưng trên thực tế chúng ta đều biết, trong số rất nhiều người nổi tiếng, thành danh, có nhiều đóng góp cho xã hội, không nhiều người đã qua quá trình học tập tại các trường chuyên.
>> 'Trường quốc tế không dạy để thi đại học'
Trong một số bài viết gần đây, nhiều học sinh từng học ở chuyên đã lên tiếng về việc họ được học nhiều thứ từ chính ngôi trường của họ. Nhưng dẫu vậy, đó vẫn chỉ là chức năng mà giáo dục ở tất cả các trường học đều phải thực hiện, không riêng trường chuyên.
Câu chuyện thi đấu để đạt các giải cao trên trường quốc tế được coi là thành tích lớn của ngành giáo dục nói chung, trường chuyên nói riêng. Nhưng những người từng đạt giải đó sau này ra cuộc sống họ sẽ là ai? Họ đã làm được gì cho cộng đồng, cho xã hội mới là câu trả lời cần có.
Chưa kể số học sinh đó chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà để có họ, cả nước đã phải có hàng trăm trường chuyên với vài trăm ngàn học sinh, cùng với đó là lượng chi phí đầu tư cũng khá lớn thì có thực sự thoả đáng.
Không ít học sinh trường chuyên không thi nổi vào một trường đại học bình thường. Để có một đầu ra như nhau, học sinh trường chuyên nhận được quá nhiều ưu đãi, trong khi học sinh các trường thường lại quá thiệt thòi.
Tôi không đưa ra ý kiến là nên hay không nên bỏ hệ thống trường chuyên. Nhưng những gì tôi đã trình bày ở trên là góc nhìn nhận của cá nhân với mong muốn sản phẩm của giáo dục phải là những con người có ích cho cộng đồng, cho xã hội. Và cuối cùng, có thể nói, dù để trường chuyên hay không, điều quan trọng là giáo dục Việt Nam phải thực hiện đầy đủ và thực hiện tốt bốn trụ cột căn bản mà tổ chức UNESCO đã đề xuất.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
TS. Nguyễn Thị Hường
(Học viện Hành chính Quốc gia)