Hà Phương, 22 tuổi, là cựu học sinh chuyên Văn tại một trường THPT chuyên ở miền Bắc. Năm học lớp 12, Phương được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn cùng 7 bạn khác.
Là thành viên đội tuyển, Phương và các học sinh dự thi quốc gia được hưởng nhiều đặc quyền, một trong số đó là điểm học bạ. "Khoảng ba tháng trước ngày thi, các đội tuyển được học riêng nên mình không tham dự tiết học nào trên lớp, kể cả kiểm tra học kỳ. Bọn mình được thầy cô cho mang đề về nhà, có môn mình làm, có môn mình quên. Đến khi tổng kết, không môn nào của mình tổng kết dưới 8, đa số 8,5-9", Phương kể.
Năm đó, Phương không được giải nhưng những ưu tiên dành cho học sinh giỏi quốc gia vẫn được duy trì đến tận khi tốt nghiệp, nghĩa là bảng điểm tổng kết học kỳ II và cả năm lớp 12 của Phương vẫn "đẹp như mơ".
Theo Phương, điểm học bạ đẹp là "điều dễ thấy" tại các trường THPT chuyên. "Những học sinh trong đội quốc gia có thể được cho điểm cao hơn, nhưng nhìn chung dù ít hay nhiều, mình thấy kết quả học bạ của bọn mình đều đẹp hơn với sức học", Phương nói và lấy dẫn chứng một bạn học cùng lớp, Lý và Hóa đều chỉ ở mức "thông hiểu" nhưng điểm tổng kết vẫn đạt 8,4 và 8,5.
"Chẳng cần phải quen biết thầy cô, học sinh trường chuyên vẫn có thể sở hữu một học bạ đẹp. Nếu làm bài không tốt, học sinh có thể chủ động xin làm thêm bài kiểm tra để được gỡ điểm, hoặc thầy cô tự nâng", Phương cho biết thêm.
Không chỉ ở các trường chuyên, nơi học sinh được định hướng học chuyên sâu một vài môn, tại các trường THPT công lập bình thường, việc cho điểm học bạ dễ dãi hay xin điểm học bạ cũng diễn ra.
Minh Đức, dự thi tốt nghiệp THPT năm ngoái, cho biết lớp 12 của em có thiên hướng tự nhiên, nhưng điểm các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân cao không kém, đôi lúc cao hơn do "được giáo viên nương tay". Cô chủ nhiệm thậm chí còn nhắc nhở với những môn này, học sinh chỉ cần chú ý thái độ, ngoan, lễ phép và thực hiện đúng yêu cầu của giáo viên là được.
"Câu hỏi khi kiểm tra cũng được giới hạn rất ít với nội dung dễ dàng. Việc coi thi cũng không nghiêm khắc nên chỉ cần biết điều, điểm các môn này thường ở mức khá", Đức nói. Như em, chỉ tập trung học Toán, Văn, Anh, Hoá, Lý nhưng điểm các môn xã hội đều ở mức 7,5.
Ngoài quá trình học, gần thời điểm tổng kết học kỳ I năm lớp 12, khoảng chục bạn trong lớp Đức "xin giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ điều chỉnh điểm để học bạ đẹp hơn" do nhiều trường đại học xét tuyển bằng điểm học bạ. Chẳng hạn, tổng kết môn là 7,9, một số sẽ xin lên thành 8,0 để đạt danh hiệu học sinh giỏi hoặc đạt mức giỏi ở một số môn trong tổ hợp xét tuyển sao cho phù hợp với cách tính điểm của các trường. "Khá nhiều bạn trúng tuyển bằng học bạ nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT ba môn chỉ đạt chừng 16-17, không đủ để đỗ vào trường đó nếu xét điểm thi", Đức kể.
Theo một giáo viên chuyên Hóa, chuyện "nương tay" khi chấm học bạ liên quan đến việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu trường THPT chuyên.
Đầu tiên, thầy khẳng định rằng lực học của học sinh trường chuyên không kém, bởi các em đã vượt qua kỳ thi tuyển đầu vào rất gắt gao. Nếu được yêu cầu học đều, học sinh trường chuyên hoàn toàn làm được. Nhưng do đặc thù chương trình được thiết kế chuyên sâu, mũi nhọn vào một số môn bên cạnh thời gian học chính khóa, học sinh trường chuyên thường học lệch, tập trung vào môn chuyên hoặc tổ hợp xét tuyển đại học.
Thầy giáo này cho biết chưa từng có chỉ đạo mang tính chính thức từ cấp trên rằng cần chấm nới tay cho học sinh, nhưng "ai cũng ngầm hiểu". Nếu học sinh trường chuyên mà tổng kết chỉ 5-6 điểm, nhiều người không nhìn vào xem em đó chuyên môn gì, học tổ hợp gì để đánh giá mà sẽ vội vàng kết luận "học sinh trường chuyên kém hơn không chuyên". Xa hơn, dư luận lại tranh cãi về chất lượng tuyển sinh, đào tạo và sự tồn tại của các trường THPT chuyên ở Việt Nam.
"Trên lớp, bạn nào kém, lười học, chúng tôi vẫn phê bình nhưng sau đó sẽ tạo cơ hội gỡ điểm", thầy giáo nói và cho biết việc "chấm học bạ nới tay" tại trường chuyên vẫn được duy trì tới giờ.
Thời điểm Hà Phương thi THPT quốc gia vào năm 2018, rất hiếm trường đại học tuyển sinh theo phương thức riêng như xét học bạ, chứng chỉ hoặc ưu tiên học sinh trường chuyên. Do đó, điểm học bạ của Phương "mang ý nghĩa tinh thần, kỷ niệm là chính". Tuy nhiên, từ năm 2020, khi Covid-19 khiến học sinh cả nước phải học trực tuyến, điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn, số lượng đại học sử dụng điểm học bạ để tuyển sinh ngày càng nhiều.
Trả lời VnExpress vào cuối tháng 7, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn nhận trước cái lợi mà một bảng điểm học bạ đẹp mang lại, các trường và cả học sinh đều tìm cách "làm đẹp". Ông bày tỏ sự e ngại trước việc nhiều giáo viên chấm điểm "theo kiểu tăng trọng", "vỗ béo" thành tích cho học sinh.
Theo ông, việc đánh giá, cho điểm học sinh tại nhiều trường THPT không còn chuẩn mực, khiến kết quả của các em không thực chất. Điều này phần nào được thể hiện qua kết quả đối sánh điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2020 là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo so sánh điểm trung bình 9 môn thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ lớp 12 của các môn tương ứng nhằm đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và tính trung thực trong tổ chức kỳ thi ở địa phương.
Vào năm này, kết quả quả cho thấy điểm học bạ cao hơn điểm thi với mức trung bình ở từng tỉnh, thành là từ 0,32 đến 1,7 điểm. Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó đánh giá hai mức có độ vênh nhưng cơ bản là tương thích và tuyến tính với nhau, không có gì bất thường. Một số tỉnh ở vùng khó khăn có điểm thi thấp hơn điểm học bạ, khoảng chênh lệch cũng rộng hơn so với vùng thuận lợi.
"Việc điểm thi thấp hơn học bạ có thể do thầy cô cho điểm có phần linh động để động viên học sinh tiếp tục cố gắng", ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học trả lời báo chí vào thời điểm đó.
Năm 2021, kết quả đối sánh cho thấy trừ Giáo dục công dân, các môn còn lại có điểm thi tốt nghiệp thấp hơn học bạ.
Lịch sử vừa là môn có điểm trung bình thi thấp nhất vừa chênh lệch lớn nhất với học bạ. Trong khi điểm thi chỉ là 4,971 thì trung bình học bạ môn này lên tới 7,659, chênh gần 2,7 điểm. Hai môn có độ chênh lớn tiếp theo là Sinh học (chênh 2,07), Tiếng Anh (1,247). Các môn còn lại chênh lệch khoảng 1 điểm. Hai môn Toán và Ngữ văn có điểm thi và học bạ sát nhau nhất.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá mức chênh lớn ở một số môn cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp. Như môn Lịch sử và Tiếng Anh còn hạn chế, quá trình kiểm tra, đánh giá các môn này có phần "rộng" hơn.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa công bố kết quả đối sánh học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, việc cho điểm học bạ THPT "dễ dãi" còn góp phần khiến điểm chuẩn đại học xét bằng điểm học bạ tăng đáng kể, ngay cả ở những trường không cộng điểm ưu tiên theo quy định riêng.
Như Đại học Giao thông vận tải, dù chỉ cộng điểm trung bình ba năm THPT của ba môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên theo quy định của Bộ, có ngành lấy tới 28,37, Tài chính - Marketing (TP HCM) 29, Công nghiệp Hà Nội 29,38, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM 29,75. Mức này đồng nghĩa nếu không có điểm cộng ưu tiên đối tượng, khu vực (tối đa 2,75 điểm), thí sinh phải đạt khoảng 9,5-9,9 điểm trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển.
Ông Vinh cho rằng về mặt lý thuyết, những học sinh có học lực giỏi ở bậc THPT sẽ có nhiều khả năng thành công tại đại học. Tuy nhiên, nếu học sinh được chấm cao hơn thực lực, hệ quả nguy hiểm sẽ được tạo ra. "Điều này không chỉ gây bất bình đẳng trong giáo dục mà còn làm hỏng chính sách đào tạo nhân lực chất lượng cao của Đảng và Chính phủ", ông nói.
Về lâu dài, TS Vinh cho rằng các đại học nên sử dụng các tiêu chí phụ như phỏng vấn, viết luận... để xét tuyển cùng điểm học bạ. Hiện, nhiều trường vẫn áp dụng các yêu cầu bắt buộc với thí sinh xét học bạ như phải là học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, chuẩn hóa quốc tế... Tuy nhiên, ông Vinh nhấn mạnh không nên biến các yêu cầu này thành tiêu chí để cộng điểm, tạo khoảng cách lớn giữa các thí sinh, đồng thời khiến điểm chuẩn tăng vọt.
Dù vậy, ông Vinh cũng đánh giá các đại học top giữa và dưới sẽ gặp nhiều khó khăn để thực hiện những biện pháp này. "Lọc thí sinh thì mất nguồn thu, mà nguồn lực tài chính của các trường này thường không mạnh nên chưa có biện pháp khắc phục", ông nói và cho rằng đây là câu chuyện nhân lực, không còn cách nào khác là các trường phải tự ý thức, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động.
*Tên học sinh đã được thay đổi
Thanh Hằng - Dương Tâm