(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tôi thấy nhiều người đang hiểu sai về các vấn đề của mô hình trường chuyên hiện tại và lý do tại sao nhiều người kêu gọi xoá bỏ nó. Việc kêu gọi xoá bỏ trường chuyên không phải là để cào bằng giáo dục hay giảm chất lượng đào tạo chuyên sâu. Ngược lại, thay đổi các tư duy cũ lỗi thời bằng tư duy, phương pháp mới có thể cải thiện chất lượng giáo dục cả căn bản và chuyên sâu.
Tôi thấy có hai vấn đề lớn trong mô hình trường chuyên hiện nay:
Thứ nhất, việc phân loại trường lớp chuyên theo các môn học (Toán, Hoá, Văn, Anh,...) là rất bất hợp lý và mang nhiều định kiến. Định kiến ở đây là "em nào giỏi môn nào nhất thì chỉ có thể giỏi môn đó và nên tập trung vào môn đó, các môn khác là môn phụ và không cần học nhiều".
Trong thực tế, rất nhiều những người tài giỏi có thể giỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Một em học sinh có tố chất tốt có thể vừa giỏi Toán, Lý. Hoá, vừa có năng khiếu nghệ thuật, vừa tiếp thu nhanh ngoại ngữ. Đẩy những học sinh có tố chất vào các lớp "chuyên" theo một môn học quá hẹp có thể làm thui chột tiềm năng, bó hẹp phạm vi và con đường phát triển của các em.
>> Trường chuyên có là trụ cột giáo dục
Cần phải nói thêm là cách phân chia các môn học trong trường học cũng hoàn toàn không tương đồng với các kỹ năng, kiến thức cần thiết cho các nghề nghiệp và cuộc sống sau khi ra trường.
Một nghề thường cần kỹ năng, kiến thức của nhiều hơn một môn học, thậm chí là những kỹ năng không một môn học nào dạy, ví dụ như một nhà báo không chỉ phải giỏi Văn mà còn cần các kiến thức về xã hội (Lịch sử, Địa lý) hoặc các kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực mình viết (Công nghệ, Thể thao), một kỹ sư nông nghiệp có thể cần giỏi không chỉ về Sinh học, mà còn cần cả kiến thức về Hoá học, đôi chút về Vật lý, Toán học...
Không chỉ là một người có thể giỏi ở nhiều lĩnh vực, mà trong nhiều trường hợp, một người phải giỏi ở nhiều hơn một lĩnh vực để trở nên xuất chúng. Đặc biệt là trong tương lai, khi máy móc sẽ làm thay thế con người ở phần lớn những công việc đơn giản, thì những con người toàn diện với kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau (như tỷ phú Elon Musk) sẽ nằm trong top những con người khó bị thay thế bỏi máy móc nhất.
Những người làm được những điều to lớn có sức ảnh hưởng đến xã hội và nhân loại đều cần đến kiến thức của nhiều hơn một lĩnh vực. Steve Jobs không chỉ giỏi về công nghệ máy tính mà còn là một nhà quản lý giỏi, có con mắt thẩm mỹ tốt và rất hiểu thói quen, tâm lý người dùng. Người phát minh ra tiền điện tử Bitcoin cũng là được cho là am hiểu rất sâu không chỉ về khoa học máy tính, mà còn về cả kinh tế, tài chính và lịch sử xã hội...
Bởi vậy, bó buộc những học sinh năng khiếu vào một môn học nhất định là làm triệt tiêu tiềm năng của những nhân tài.
>> Học sinh giỏi chung lớp với bạn học kém rất khổ sở
Thứ hai, vấn đề cốt lõi nhất của các trường chuyên hiện nay mà rất nhiều người đã nói đó là việc đào tạo chỉ chuyên sâu theo hướng để đi thi giật giải, lấy huy chương, thành tích về chứ không chú trọng vào dạy các kiến thức thực tiễn, có ích cho tương lai và sự nghiệp.
Xin đừng nói là có nhiều người từ trường chuyên ra vẫn giỏi và thành công đấy thôi chứng tỏ là trường chuyên vẫn tốt đấy thôi. Vâng nhiều người họ thành công, một phần vì bản thân đầu vào các trường chuyên đã tốt rồi, nhưng hãy thử nghĩ xem nếu được đào tạo đúng cách hơn, biết đâu đáng lẽ ra họ đã có thể còn thành công hơn thế, đóng góp cho đất nước nhiều hơn thế.
Hãy nhìn xem Việt Nam mình có bao nhiêu tiến sĩ giáo sư, và có bao nhiêu bằng sáng chế. Hãy nhìn xem có bao nhiêu công nghệ, sản phẩm chúng ta đã làm chủ được, có bao nhiêu công nghệ, sản phẩm chúng ta vẫn phải nhập ngoại về, thuê chuyên gia nước ngoài.
Hãy nhìn xem có bao nhiêu người Việt làm chủ, thuê người nước ngoài làm việc cho họ, và ngược lại có bao nhiêu người Việt đi làm thuê cho nước ngoài, nhiều khi là ở những công việc yêu cầu trình độ rất thấp. Trường chuyên đã đào tạo ra nhiều nhân tài, nhưng tôi tin rằng tiềm năng của người Việt Nam còn nhiều hơn thế nhiều lần, và những "nhân tài" đó lẽ ra đã tài hơn, giỏi hơn, và nhiều hơn nếu chúng ta có một hệ thống giáo dục đúng đắn.
>> Tôi không cho con học lớp chuyên để 'tuổi thơ không bị đánh cắp'
Giáo dục Việt Nam vẫn đang xoay quanh những bài thi, bài kiểm tra, và những kỳ thi đủ các thứ cấp, và trường chuyên cũng như vậy, chỉ có là ở một độ khó cao hơn, đó chính là điều cần thay đổi.
Nhìn vào bảng điểm kín đặc toàn điểm 10 của các học sinh vào trường Amsterdam hôm nọ, tôi nghĩ không biết đây là cái nôi đào tạo nhân tài hay cái nôi đào tạo bệnh thành tích.
Bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu, tố chất là cần thiết, nhưng bồi dưỡng như thế nào mới là vấn đề. Chỉ tống cho các em vào một lò luyện thi, luyện giải thật nhiều dạng bài tập, hay tạo môi trường thúc đẩy niềm đam mê khám phá, tạo điều kiện cho các em tiếp cận với kiến thức sâu hơn, cho các em làm những dự án nho nhỏ để vận dụng kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực tế sau này, chắc không cần nói thêm cũng biết phương pháp nào tốt hơn để nuôi dưỡng một nhân tài?
Tôi thấy mô hình trường chuyên hiện nay cần phải thay đổi. Một mô hình thay thế có thể cân nhắc đó là đưa tất cả các môn học bắt buộc về kiến thức cơ bản khái quát nhất mà một học sinh cần nắm bắt trong môn đó, thời gian còn lại các học sinh được tự chọn tham gia các câu lạc bộ, hội nhóm chuyên sâu về các môn, các lĩnh vực.
Một học sinh bắt buộc phải tham gia ít nhất một CLB như thế vì một con người nên giỏi tối thiểu một lĩnh vực. Những em nào đam mê và có năng khiếu nhiều hơn một môn học hoàn toàn có thể tham gia nhiều hơn.
>>'Học trường chuyên, tôi không hơn các bạn trường thường'
Hoạt động của các CLB nên chuyên sâu nhưng mang tính thực tiễn, chẳng hạn như CLB Hoá học thì có thể tổ chức những thí nghiệm, CLB Tin học thì tập viết các phần mềm, ứng dụng, CLB Lịch sử thì cho các em nghiên cứu những tư liệu bên ngoài SGK rồi thuyết trình về những gì mình tìm hiểu được, CLB Văn học thì cho đọc nhiều tác phẩm ngoài SGK, tự sáng tác văn, thơ, phân tích phê bình các tác phẩm...
Trẻ em luôn có sẵn niềm đam mê khám phá và học hỏi, chỉ có người lớn triệt tiêu chúng đi bằng cách nhồi nhét bài vở, những bài kiểm tra và kỳ thi lấy thành tích thôi.
Dĩ nhiên là nếu bỏ trường chuyên, vẫn sẽ có những trường có chất lượng giáo viên tốt hơn, nhiều học sinh giỏi thi vào hơn nên chất lượng sẽ tốt hơn trường khác, nhưng đó sẽ không phải là bình mới rượu cũ nếu chúng ta loại bỏ được việc dạy học chỉ xoay quanh ôn luyện các bài thi.
Việc học sinh giỏi muốn học cùng học sinh giỏi khác để nâng cao chất lượng dạy học là điều tự nhiên, tôi không nghĩ những người ủng hộ bỏ trường chuyên là muốn cào bằng xếp chung tất cả học sinh như nhau. Chính những định kiến lỗi thời và tư duy thi cử thành tích của mô hình trường chuyên như hiện nay mới là thứ cần phải loại bỏ.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Phú Quý