Ngày 14/12, các bác sĩ Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, vừa phẫu thuật cho anh Nguyễn Trung Thanh (28 tuổi, TP HCM) bị não úng thủy (dịch tích tụ quá nhiều bên trong não) từ nhỏ.
Theo ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, kỹ thuật mổ não úng thủy không phức tạp. Tuy nhiên, do bệnh nhân bị bệnh từ nhỏ, điều trị khá trễ nên sự hồi phục chỉ còn tỷ lệ với số tế bào não còn lại. Thần kinh trung ương không tái sinh và cũng không có tế bào não nào mới sinh ra. Do đó, cuộc mổ không làm tăng tế bào não, chỉ duy trì áp lực trong sọ, phù hợp với tình trạng người bệnh.
Anh Thanh cho biết, ngay từ lúc sinh ra, anh đã được chẩn đoán mắc dị tật não úng thủy. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế và ba mẹ thấy anh phát triển bình thường nên vẫn chưa đi khám can thiệp, điều trị.
Trước đó, vào ngày 5/12, qua thăm khám, chụp MRI (cộng hưởng từ) bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị giãn não thất (não úng thủy) khá lớn, trong hình chụp thấy có dấu hiệu tăng áp lực trong sọ. Bác sĩ chỉ định mổ để dẫn lưu dịch, giảm áp lực trong sọ.
Ở người bình thường, thể tích dịch não tủy thay đổi từ 80-120 ml tùy theo tuổi. Khi đó chỉ số lưỡng trán (IBF), đường kính lớn nhất của bể nước so với đường kính lớn nhất của não dưới 40%. Ở bệnh nhân này, đường kính lớn nhất của bể nước chiếm 70% so với đường kính của não (lớn gần gấp đôi). Thể tích não còn lại ở bệnh nhân này nhỏ hơn người bình thường, hạn chế một số chức năng. Bệnh nhân có phản ứng và hành vi chậm, từ lời nói đến hành động.
Các bác sĩ đã mổ dẫn lưu từ não thất đến ổ bụng cho người bệnh bằng hệ thống shunt có van dẫn lưu. Một đầu gắn vào ổ phúc mạc, một đầu gắn vào não thất. Nước từ não thất sẽ đi xuống ổ phúc mạc thông qua ống thông. Ổ phúc mạc là hệ thống màng bụng sẽ hấp thu dịch.
Sau mổ, dịch từ não được chuyển xuống bụng, áp lực trong sọ của bệnh nhân được giảm. Hoạt động trí não sẽ có cơ hội hồi phục.
Dịch tích tụ ở người bị não úng thủy không phải là nước mà là dịch não tủy. Dịch não tủy di chuyển tuần hoàn qua não, mang theo các chất dinh dưỡng quan trọng và loại bỏ chất thải từ các tế bào. Thông thường dịch não tủy sẽ được hấp thụ lại vào hệ thống tuần hoàn chung. Não úng thủy có thể xảy ra khi có sự chênh lệch giữa tốc độ hấp thu và sản xuất ra dịch não tủy, dẫn đến tình trạng ứ đọng dịch. Dịch ứ đọng làm cho đầu bị to ra và tăng áp lực trong hộp sọ.
Não úng thủy bẩm sinh có thể xảy ra do hẹp đường lưu thông giữa các não thất; dị tật ống thần kinh; nang màng nhện; hội chứng Dandy - Walker hoặc dị tật Chiari... Siêu âm thai định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề về sự phát triển não bộ của thai nhi. Nếu phát hiện được bất thường, bác sĩ sẽ cho thực hiện xét nghiệm khác như chọc dịch ối... để chẩn đoán rõ ràng hơn.
Bác sĩ Tấn Sĩ khuyến cáo, đối với những trường hợp trẻ bị giãn não thất bẩm sinh, ba mẹ nên đi khám sớm để có chỉ định điều trị phù hợp, nhất là giai đoạn 6-9 tháng tuổi. Ở thời điểm trước một tuổi, não trẻ phát triển mạnh nhất, nhanh nhất nên cần có sự can thiệp sớm nhất. Nếu can thiệp sớm ở trẻ giãn não thất từ 6 tháng đến một tuổi, sự hồi phục của não có thể gần như bình thường trở lại. Nếu can thiệp chậm hơn, áp lực trong sọ tăng nhiều ức chế sự phát triển tế bào não. Do đó, sau này nếu có phẫu thuật thì tế bào não cũng không thể bình thường trở lại, một số chức năng chính của người bệnh sẽ bị mất. Tốt nhất, khi mới phát hiện bất thường, người bệnh nên đi khám sớm để được điều trị.
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Bình An