Nhiều người thường nghĩ người hướng ngoại dễ trò chuyện, sôi nổi, còn hướng nội luôn trầm lắng và thu mình. Khoa học đã chứng minh cả hai nhóm đều có những tính cách và thế mạnh riêng. Dưới đây là khác biệt ở não bộ của họ có thể gây ra những thay đổi này.
Giải quyết vấn đề điềm tĩnh
Hệ thần kinh tự chủ gồm hai phân hệ là hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm, điều chỉnh nhiều chức năng và bộ phận của cơ thể. Hệ thần kinh giao cảm liên quan đến phản ứng chiến đấu, sợ hãi hoặc bỏ chạy; còn phó giao cảm cho phép não nghỉ ngơi, tiêu hóa.
Người hướng ngoại thường hành động, nhanh nhạy, mãnh liệt hơn do sử dụng hệ thần kinh giao cảm nhiều hơn. Ngược lại, người hướng nội nghiêng về hệ thần kinh phó giao cảm nên phong thái có phần chậm rãi, cẩn trọng, điềm tĩnh.
Chiều dài con đường truyền tín hiệu
Người hướng ngoại phụ thuộc nhiều vào chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Thông tin đi qua não theo con đường này với các khu vực điều chỉnh vị giác, xúc giác, thị giác và âm thanh.
Ở người hướng nội, thông tin mà não tiếp nhận truyền qua con đường dài hơn là acetylcholine (chất dẫn truyền thần kinh). Con đường này gồm mặt phải trước của vỏ não, vùng broca, bên phải và trái của thùy trước, vùng hồi hải mã trái. Do đó, họ có xu hướng suy nghĩ nhiều hơn khi gặp vấn đề so với người hướng ngoại.
Mật độ chất xám nhiều hơn
Theo nghiên cứu của Trường Đại học Harvard (Mỹ), trên 1.000 người, bộ não của người hướng nội có chất xám ở vỏ não trước trán dày hơn so với người hướng ngoại. Đây là vùng não liên quan đến suy nghĩ trừu tượng và đưa ra quyết định. Họ cũng có nhiều hoạt động hơn ở thùy trán - nơi phân tích, xử lý và giải phóng thông tin mới.
Các nhà khoa học tại Trường Đại học Iowa (Mỹ) cũng chụp cắt lớp não bằng bức xạ positron (PET) để đo lưu lượng máu não cho 18 người tham gia. Kết quả cho thấy não của người hướng ngoại vẫn hoạt động tích cực, lưu lượng máu tăng kể cả khi nghỉ ngơi.
Tăng khả năng tập trung
Não bộ sản sinh ra dopamine tạo cảm giác hạnh phúc. Người hướng nội và hướng ngoại đều có lượng dopamine như nhau. Tuy nhiên, người hướng ngoại ít nhạy cảm hơn với chất này nên họ cần nhiều hơn để cảm thấy hạnh phúc. Điều này lý giải vì sao họ thích nói chuyện, di chuyển, giao lưu, hứng thú với trải nghiệm mới.
Người hướng nội thích tập trung, sử dụng trí óc vào một việc nào đó và cảm thấy dễ chịu vì não giải phóng acetylcholine tạo cảm giác hạnh phúc nhẹ nhàng.
Huyền My (Theo CNBC, Life Hack)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |