Mật độ dân số cao nhưng số lượng trường ít khiến cuộc đua vào lớp 10 công lập những năm qua tại các quận nội thành Hà Nội và TP HCM trở nên vô cùng khốc liệt. Nhiều học sinh đạt 7-8 điểm mỗi môn thi những kết quả vẫn trượt nguyện vọng. Chứng kiến việc thí sinh phải cạnh tranh gay gắt để giành một suất vào trường THPT công lập, nhiều phụ huynh tỏ ra vô cùng bức xúc.
Có người cảm thấy bất công khi con em học hành vất vả nhưng vẫn hụt trường công. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng nên bỏ kỳ thi vào lớp 10 công lập để tạo công bằng.Tuy nhiên, cá nhân tôi không nghĩ đó là một cách làm hay. Khi mà chỉ tiêu càng ít so với số người đăng ký, thì tính cạnh tranh càng khốc liệt là quy luật tất yếu, không có gì phải bàn cãi cả.
Xin kể hai trường hợp về chính bản thân tôi để mọi người hiểu về ý nghĩa của kỳ thi này:
1. Hè năm 2008, tôi đăng ký thi vào lớp 10 chuyên Toán trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên của Đại học Quốc Gia Hà Nội. Tỷ lệ chọi lúc đó là khoảng 1/70, tính cạnh tranh là vô cùng khốc liệt. Hôm làm bài thi, tôi còn nhớ như in lời nhắc nhở của cô giám thị với một bạn thí sinh: "Em che bài cho cẩn thận, để bạn ngồi cạnh nhìn được là bạn vào, em ra đấy".
2. Hè năm 2017, tôi nộp hồ sơ xin việc vào một ngân hàng. Sau vòng duyệt hồ sơ là hai vòng phỏng vấn. Chỉ tiêu tuyển dụng của ngân hàng chỉ là bảy người, thế nhưng vào vòng phỏng vấn đầu tiên, tôi ngã ngửa khi xem danh sách có tới 209 ứng viên tham gia. Tức là tỷ lệ chọi 1/29,8.
Vậy nên, cứ hình dung, nếu học sinh quen với việc đi học thêm ở nhà thầy cô, được cho biết trước, làm trước bài kiểm tra trên lớp, để khi làm bài được điểm cao, và cuối kỳ có điểm tổng kết đẹp, thì sau này các em lấy gì để đối mặt được với những cuộc chiến ác liệt khi xin việc như trên? Thực tế luôn khốc liệt và phũ phàng. Những kỳ thi như vào lớp 10 công lập chỉ như một bước luyện tập cho nhiều cuộc cạnh tranh việc làm trong tương lai. Vấn đề nằm ở thái độ của phụ huynh và học sinh với các kỳ thi ấy. Liệu trượt trường công có phải là hết cơ hội học tập?
>> Tranh suất vào lớp 10 công lập vì sợ con hư
Hàng ngàn năm qua, các nước Á Đông vốn có truyền thống trọng khoa bảng. Các cụ ngày xưa cũng từng có câu: "Làm thầy nuôi vợ, làm thợ không đủ nuôi miệng". Chính cái suy nghĩ nặng nề thành tích ấy nên người ta cố gắng đầu tư cho con em học hành, đi du học, ép học ngày học đêm, phải đỗ đạt này kia. Tuyệt nhiên, chúng ta không coi trọng chuyện đi học nghề, hay phát triển các năng khiếu khác.
Trong mắt nhiều người, họ khinh miệt những em thi trượt cấp ba thi, phải vào trường nghề. Họ cảm thấy cực kỳ xấu hổ và mất mặt nếu con em mình không thể được học ở trường công, đại học... Cũng vì thế chất lượng của các trường nghề ở nước ta không được chú trọng, dẫn tới không nhận được sự tin cậy từ phụ huynh. Chính vòng luẩn quẩn ấy khiến mỗi năm, hàng trăm nghìn học sinh lại phải sống trong áp lực nặng nề trước những kỳ thi quyết định cả đời người.
Nghĩ lại, đến giờ phút này, tôi vẫn thấy mình may mắn. Bởi năm đó, dù thi trượt trường chuyên, tôi vẫn có thể về học trường làng. Để rồi, sau đó, tôi vẫn thi đỗ đại học top đầu. Sau này, khi trượt phỏng vấn ngân hàng, tôi vẫn có thể rải hồ sơ xin việc ở nhiều công ty khác, với chế độ phúc lợi thậm chí cũng chẳng thua kém gì.
Thế nên, tôi mong các em học sinh và đặc biệt là quý phụ huynh đừng tự tạo cho mình những áp lực phải đỗ trường công bằng mọi giá. Trường tư hay trung tâm Giáo dục thường xuyên không phải là dấu chấm hết cho tương lai của các em. Thành hay bại nằm trong thái độ và quyết tâm của mỗi người.
Tại nội thành Hà Nội, tổng số trường THPT công lập ở 12 quận là 36, trong khi năm nay có 44.628 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1. Như vậy, tỷ lệ chọi trung bình ở nội thành Hà Nội là 1/1,89. Trong đó, quận Cầu Giấy có mức độ cạnh tranh vào lớp 10 công lập khốc liệt nhất với tỷ lệ chọi 1/2,66. Xếp sau là các quận Hà Đông (tỷ lệ chọi 1/2,2), Ba Đình, Hoàn Kiếm (1/1,97), Đống Đa (1/1,9), Thanh Xuân (1/1,98). Trong số này, không quận nào có quá bốn trường THPT công lập, số thí sinh đăng ký đều gấp đôi "sức chứa" của các trường.
Còn tại TP HCM, không quận nào có tỷ lệ chọi cao như Hà Nội nhưng tình trạng "7 điểm trượt, 3 điểm đỗ" vẫn diễn ra. Tỷ lệ chọi trung bình của TP HCM tại khu vực nội thành là 1/1,52. Tỷ lệ chọi ở những trường THPT top đầu dao động 1/2-1/2,5 (thuộc các quận 1, 3, 5, 11, Bình Thạnh, TP Thủ Đức, Phú Nhuận). Các quận nội thành khác như 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú tỷ lệ chọi dao động 1/1,5 - 1/2.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.