Anh Huỳnh Văn Lâm (huyện Hóc Môn) cho biết, vú anh hơi to từ lúc nhỏ và nhô to nhiều hơn ở tuổi dậy thì khiến anh mặc cảm, mất tự tin. Anh đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thăm khám vào giữa tháng 3, thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra nồng độ nội tiết tố, siêu âm tinh hoàn, được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh nữ hóa tuyến vú. Đây là tình trạng tuyến vú ở nam giới phát triển lớn hơn bình thường.
Theo nguyện vọng của nam bệnh nhân, ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông (khoa Ngoại Vú) phẫu thuật loại bỏ hết mô vú hai bên và chừa da. Người bệnh xuất viện sau phẫu thuật một ngày, sức khỏe ổn định. Người bệnh có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường, hạn chế rượu bia và các loại thuốc như steroid, amphetamine để phòng ngừa tái phát.

Ê kíp mổ ngực cho người bệnh bị nữ hóa tuyến vú. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
BS.CKI Đỗ Anh Tuấn cho biết, nữ hóa tuyến vú ít gặp, có thể xảy ra ở nam giới tuổi dậy thì (9-14 tuổi) hoặc đàn ông lớn tuổi (50-69 tuổi), do cơ thể có sự thay đổi bất thường về nồng độ hormone. Nguyên nhân là do thay đổi nội tiết tố, testosterone bị ức chế, sụt giảm testosterone hoặc tăng mức estrogen. Cũng có nhiều trường hợp do tổn thương tinh hoàn, béo phì, hội chứng Klinefelter, dùng thuốc hoặc không rõ nguyên nhân.
Nữ hóa tuyến vú thường không có triệu chứng, có thể có một số biểu hiện như sưng mô vú, đau (ở thanh thiếu niên), đau khi sờ, núm vú nhạy cảm khi cọ xát với quần áo. Nữ hóa tuyến vú thường lành tính, có thể xảy ra một hoặc hai bên vú, đôi khi không đều nhau. Trong đa số trường hợp ở tuổi dậy thì, mô vú to có thể biến mất mà không cần điều trị trong vòng 6 tháng đến 2 năm. Tuy nhiên, tuyến vú to bất thường gây ra tâm lý tự ti, mặc cảm với hình thể của nam giới.
Các phương pháp điều trị tình trạng này như dùng thuốc nội tiết, testosterone thay thế, phẫu thuật... Phẫu thuật thường được thực hiện qua đường rạch quanh quầng vú, giúp tăng tính thẩm mỹ, thời gian phục hồi sau mổ nhanh, bệnh nhân ít đau, được xuất viện sớm.
Quyên Phan
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.