ThS.BS.CKI Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết như trên, giải thích thêm các chủng này bình thường tồn tại trên bề mặt da nhưng không gây hại. Khi môi trường ẩm ướt, nấm sinh sôi và gây bệnh về da. Do đó vào mùa mưa, bệnh dễ phát triển và lây lan nhanh.
Những yếu tố nguy cơ cao gây bệnh là mang giày, vớ ẩm; sử dụng chung các vật dụng cá nhân hoặc da tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh; nhiễm trùng trên vết thương hở; ngâm chân trong nước bẩn thời gian dài...
Nấm kẽ chân thường khởi phát ở giữa các kẽ của ngón 3-4 và 4-5, biểu hiện gồm dày sừng, ẩm ướt, màu trắng hoặc đỏ da, bong vảy, nứt nẻ vùng giữa và dưới các ngón chân.
Khi bệnh tiến triển nặng, vùng da ở kẽ chân sưng tấy, đau rát, hình thành vết loét, mưng mủ. Trường hợp vệ sinh không đúng cách dễ nhiễm trùng dẫn đến viêm mô bào (nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính ở các lớp sâu của da).
Nấm kẽ chân khó chữa trị dứt điểm. Vì vậy, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thực hiện các xét nghiệm, tìm loại nấm gây bệnh và điều trị sớm. Phương pháp điều trị chủ yếu sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da, tình trạng nặng hơn sẽ dùng thêm thuốc uống. Để giảm ngứa và điều trị nhiễm trùng kèm theo, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh.
Trước khi bôi thuốc, nên rửa sạch chân bằng xà phòng, nước ấm, sau đó lau khô vùng da chân. Dùng một lượng vừa đủ, không bôi quá nhiều vì có thể nóng rát, lãng phí thuốc. Bôi thuốc kín, đều và mỏng ở vùng nhiễm nấm và một phần da xung quanh. Người bệnh không tự ý ngưng thuốc kể cả khi các triệu chứng nấm đã giảm.
Các loại thuốc kháng nấm đường bôi và đường uống có thể gây ra một số tác dụng phụ nhất định. Do đó, không sử dụng thuốc cho người già, người mắc bệnh thận, gan hoặc thải lọc kém; bệnh nhân đang dùng thuốc kháng axit trong điều trị dạ dày. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú tránh dùng thuốc kháng nấm đường toàn thân. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng song song thuốc trị nấm với các loại thuốc khác.
Bác sĩ Anh Thư lưu ý khi gặp các tác dụng phụ như chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, vàng mắt và da, nước tiểu có màu vàng sậm, người bệnh cần ngưng thuốc ngay và đến bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da khám để có hướng xử trí phù hợp.
Để phòng ngừa và giảm nguy cơ tái phát bệnh, cần giữ chân sạch sẽ và khô ráo, nhất là sau khi tiếp xúc với nguồn nước bẩn, đi vớ hoặc giày cả ngày. Chọn loại vớ có chất liệu thấm hút tốt, giặt với nước nóng để tiêu diệt vi khuẩn, nấm gây hại. Hạn chế đi giày và vớ cả ngày. Tránh dùng chung khăn, giày, vớ với người khác, nhất là người đang nhiễm nấm. Khi ngứa ở kẽ ngón chân, không nên gãi mạnh vì có thể làm trầy xước, viêm nhiễm và khiến bệnh nặng hơn.
Phan Yên