ThS.BS Vũ Thị Thùy Trang, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nấm da là bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ trên 2 tuổi. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện ở cả trẻ sơ sinh và người trưởng thành.
Nấm da là bệnh phổ biến, với tỷ lệ mắc khá cao, nhất là trong giai đoạn nắng nóng như hiện nay. Nhiệt độ cao gây đổ nhiều mồ hôi là môi trường thuận lợi để bào tử nấm sinh sôi, gây nấm da ở những vùng da kín, nếp gấp lớn như kẽ tay, kẽ chân.... Đồng thời, việc vệ sinh cá nhân kém, mặc quần áo chật, lạm dụng xà phòng, đề kháng giảm... khiến nấm da dễ phát triển. Trẻ cũng có thể nhiễm nấm do dùng chung vật dụng với người bệnh hoặc tiếp xúc vật nuôi mang nấm.
Nếu bị nấm da, trên da bé sẽ xuất hiện một hoặc nhiều dát hồng ban hình tròn hoặc bầu dục, đa cung, ranh giới rõ rệt, có bờ viền, trên bờ viền có những mụn nước nhỏ, xu hướng lành ở giữa nhưng dần dần lan rộng. Đôi khi do trẻ chà xát, cào gãi hoặc cha mẹ bôi thuốc không thích hợp gây tổn thương nhiễm khuẩn thứ phát, làm xuất hiện vết trợt da, sưng, có mủ, đóng vảy hoặc bờ viền không còn rõ.
Bên cạnh đó, nấm cũng xuất hiện ở da đầu với các triệu chứng như mảng bong vảy nhỏ, không có giới hạn, sưng tấy, mụn mủ kết thành dạng tổ ong hoặc các vùng da phồng rộp, chứa mủ, kích thước nhỏ.
ThS.BS Vũ Thị Thùy Trang cho hay, để phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý:
Giữ cơ thể trẻ khô ráo, thường xuyên tắm rửa cho trẻ sạch sẽ và lau khô nhất là các kẽ ngón tay, chân và nếp gấp da.
Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, mang dép ngay cả khi ở nhà. Thay vớ và quần lót khi con đổ nhiều mồ hôi. Không cho trẻ dùng chung quần áo hay khăn tắm với người khác.
Thường xuyên tẩy rửa các vật dụng cá nhân và đồ chơi của trẻ như: lược, khăn tắm, chăn mền, ga trải giường...
Cắt móng tay, tránh để trẻ cào gãi khiến nấm lây nhiễm sang các vùng da khác.
Rửa tay bằng xà phòng cho trẻ sau khi chơi đùa với thú cưng và khi đi vệ sinh.
Nếu gia đình có người bị nấm da, cần điều trị ngay lập tức và vệ sinh đồ dùng của người bệnh.
Bác sĩ Thùy Trang khuyến cáo khi da trẻ xuất hiện hồng ban hình tròn hoặc hình cung, có nhiều mụn nước kèm theo vảy, phụ huynh nên đưa con đến khám chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da. Trẻ sẽ được kiểm tra và làm xét nghiệm cạo tìm nấm trước khi kê đơn thuốc.
Với thuốc bôi điều trị nấm, phụ huynh nên rửa tay sạch sẽ trước và sau khi bôi thuốc cho con. Bôi một lượng vừa đủ lên vùng da nhiễm bệnh và rộng ra ngoài rìa từ 2-3 cm, bôi 2 lần một ngày. Sau khi mẩn đỏ khỏi hẳn, vẫn tiếp tục bôi thuốc cho trẻ 1-2 tuần. Các loại thuốc điều trị nấm có thể gây một số tác dụng phụ, do đó, phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc cho con. Đồng thời, khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện để kịp thời thăm khám.
Thời gian điều trị nấm da có thể thay đổi tùy theo vị trí nhiễm bệnh. Với vùng da nhẵn, chỉ cần dùng thuốc bôi tại chỗ trong vòng 2-4 tuần. Riêng với nấm da đầu, đây là loại khó điều trị, cần phối hợp giữa thuốc thoa và thuốc uống trong khoảng 4-8 tuần, thậm chí dài hơn.
Nguyễn Vân