BS.CKI Cao Tuấn Anh, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, số lượng tinh trùng ít không có nghĩa là nam giới sẽ vô sinh. Vẫn có tỷ lệ nhỏ tinh trùng khỏe mạnh, nhưng tỷ lệ tinh trùng gặp được trứng sẽ thấp và khả năng thụ thai tự nhiên sẽ thấp hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tinh trùng khỏe mạnh sẽ có các đặc điểm như thể tích tinh dịch sau xuất tinh phải đạt tối thiểu từ 1,4ml/ lần; mật độ từ 16 triệu tinh trùng/ml tinh dịch; tổng số tinh trùng trong mẫu xuất tinh từ 39 triệu/lần; tinh dịch đặc sệt vừa phải, không bị loãng và vón cục; tổng số tinh trùng di động từ 30%; tỷ lệ tinh trùng sống từ 54%; tỷ lệ tinh trùng hình dạng bình thường từ 4%; không chứa hồng cầu và ít tế bào lạ (dưới 1 triệu /1ml tinh dịch). Ngược lại, nếu tổng số lượng tinh trùng dưới 39 triệu/lần xuất tinh hoặc mật độ ít hơn 16 triệu tinh trùng/ml tinh dịch thì sẽ được xếp vào nhóm tinh trùng ít.
Tinh trùng ít xuất phát từ một số nguyên nhân bệnh lý như: giãn tĩnh mạch tinh, rối loạn nội tiết, các bệnh lý tự miễn, nhiễm trùng, stress, chấn thương, các bất thường về di truyền (NST đồ, gen sinh tinh AZF)... Ngoài ra, việc tiếp xúc nhiều với hóa chất độc hại, sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá hay béo phì... cũng có thể làm giảm số lượng tinh trùng ở nam giới.
Bác sĩ Tuấn Anh giải thích, khi một cặp vợ chồng có con tự nhiên, tinh binh từ người chồng sau khi được phóng ra sẽ nằm sâu ở cùng đồ sau âm đạo của người vợ. Do môi trường âm đạo có tính axit nên chỉ những tinh trùng khỏe mạnh mới có thể sống sót và di chuyển tới buồng tử cung, đi tới vòi tử cung và thực hiện quá trình thụ tinh với noãn. Khi người chồng có lượng tinh trùng ít thường sẽ kéo theo các vấn đề về hình dạng, tốc độ di chuyển của tinh trùng, khiến cơ hội tiếp cận trứng để thụ tinh sẽ thấp.
Vậy tinh trùng ít có khiến đàn ông yếu hơn? Theo bác sĩ Tuấn Anh, đa số nam giới có số lượng tinh trùng ít thường không có biểu hiện đặc biệt, đời sống tình dục vẫn diễn ra bình thường. Nhưng nếu số lượng tinh trùng ít do giãn tĩnh mạch thừng tinh, rối loạn nội tiết, stress... có thể khiến nam giới đau vùng bìu, bẹn, tinh hoàn; đặc biệt có thể bị giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương, thời gian quan hệ ngắn, khó xuất tinh, xuất tinh không hết... Nếu tình trạng không được khắc phục dễ dẫn tới lông tóc thưa, cơ thể suy nhược và vô sinh nam.
Để xác định tình trạng bệnh, nam giới cần gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và làm các xét nghiệm chuyên sâu nhằm đánh giá chính xác tình trạng bệnh lý, xác định nguyên nhân. Các xét nghiệm cần thiết bao gồm: tinh dịch đồ, xét nghiệm phân mảnh DNA của tinh trùng, siêu âm tinh hoàn, nội tiết, AZF,...
Trong trường hợp nam giới có số lượng tinh trùng ít, yếu hoặc dị dạng, bác sĩ sẽ dựa vào yếu tố mật độ, độ di động, tỷ lệ hình thái bình thường để tư vấn hướng điều trị cụ thể, như lọc rửa và bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), lựa chọn tinh trùng khỏe để thụ tinh trong ống nghiệm (IVF/ICSI)...
Tình trạng tinh trùng ít và dị dạng có thể được cải thiện bằng nhiều phương pháp: chỉ định dùng thuốc kháng sinh để điều trị nếu nguyên nhân đến từ viêm nhiễm ở đường tiết niệu hoặc hệ thống cơ quan sinh dục ngoài. Sử dụng liệu pháp hormone và một số loại thuốc nội tiết tố nếu nam giới có bị rối loạn nội tiết hoặc stress. Nếu bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch tinh hoàn, tắc ống dẫn tinh... thì có thể cân nhắc phẫu thuật.
Ngoài ra, nam giới có thể cải thiện tình trạng tinh trùng ít bằng cách thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, ăn nhiều đồ hải sản đặc biệt là hàu, nghêu sò, tôm, cua..., bổ sung nhiều rau và trái cây tươi có màu đậm: cà rốt, như cam, chanh, xoài...).
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới. Số liệu của Bộ Y tế cho hay, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn; trong đó tỷ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trẻ hiện nay là 7,7%. Tỷ lệ vô sinh do nữ giới chiếm 40%, nam giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân. Đáng chú ý, tỷ lệ vô sinh ở nam giới hầu hết đều liên quan đến tinh trùng.
Bác sĩ Tuấn Anh nhấn mạnh, hiếm muộn ở nam hay nữ giới cũng đều cần đi khám và điều trị sớm, tránh tâm lý e ngại, tránh sử dụng các loại thuốc trôi nổi không rõ nguồn gốc, bỏ lỡ thời điểm vàng để chữa trị.
Để hạn chế tình trạng này, bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, sau một năm chung sống, quan hệ tình dục đều đặn (trung bình 2-3 lần/tuần), không áp dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào mà người vợ vẫn chưa có thai, thì nên tới các cơ sở y tế uy tín kiểm tra nguyên nhân, nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả.
Mai Linh