Đọc bài viết "Tôi xin việc không cần kinh nghiệm", tôi cho rằng, may mắn chỉ dành cho người nỗ lực và dám dấn thân. Tôi là một giáo viên, nhưng muốn trải nghiệm về kinh doanh trong giai đoạn học Thạc sĩ (2010), nên đã xin vào một công ty dược để làm trình dược viên nhưng không được nhận do chưa có kinh nghiệm làm trong ngành này.
Tôi đề xuất với công ty, xin được làm chân học việc, giao hàng, nhận kinh phí hỗ trợ là một triệu đồng (đã bao gồm tiền xăng xe và điện thoại) trong khi lương giao hàng chỉ là hơn ba triệu đồng (bao ăn trưa). Tôi xác định mục tiêu cuối cùng vẫn là bán hàng, nên chỉ muốn giao hàng một thời gian. Tất nhiên, phía công ty thấy cũng chẳng thiệt gì nên đã đồng ý nhận tôi vào làm.
Sau khoảng nửa tháng đi giao hàng, tôi đã định hình được trong đầu cách vận hành của cả hệ thống. Sau đó, tôi bắt đầu xin đi bán hàng, vào những khu vực mà các trình dược hiện tại của công ty chưa tiếp cận. Đổi lại, tôi phải tự đi giao hàng (thường tranh thủ sau giờ làm). Sau hai tuần tiếp theo, tôi bán được hơn 10 triệu đồng tiền hàng, nên lương tháng được tính thêm phần trăm hoa hồng bán hàng.
Sau hai tháng, doanh số bán hàng của tôi đã lên mức gần bằng một bạn trình dược có lương thấp nhất trong công ty, dù địa bàn tôi bán toàn thuộc dạng "không ai thèm bán" và không được công ty hỗ trợ giao hàng. Tất nhiên, đến lúc này, công ty đã nhìn ra năng lực của tôi và không để tôi phải tự đi giao hàng nữa. Tôi chính thức trở thành trình dược của công ty ngay sau đó. Làm việc ở đây một năm, tôi được bổ nhiệm lên cấp quản lý tỉnh và phụ trách một số khách hàng VIP. Sau hai năm, tôi quyết định nghỉ việc vì lúc này đã tốt nghiệp xong Thạc sĩ nên muốn trở lại mảng giáo dục.
>> Đòi hỏi kinh nghiệm vô lý khi xin việc
Nói thêm về bí quyết bán hàng của tôi, xin chia sẻ dựa trên mấy điểm sau:
1. Tạo mối quan hệ giao tiếp với người mua hơn là việc giới thiệu sản phẩm: Tôi thường đến chào, rồi hỏi thăm tình hình kinh doanh, tình hình thị trường, tình hình bán sản phẩm của mình... Tôi cũng rất hay hỏi về những bí quyết kinh doanh của khách hàng và khen họ, nên nhờ thế tôi có được rất nhiều bài học quý trong công việc của mình. Nói chung, tôi hướng đến việc làm bạn với khách hàng hơn là coi họ chỉ là người mua. Đến giờ, sau khi đã nghỉ nhiều năm, vẫn có rất nhiều người nhận ra và hỏi thăm tôi khi gặp lại.
2. Hiểu rõ sản phẩm mình bán, các chương trình của công ty để có thể biết rõ ưu - nhược điểm và giới thiệu, tư vấn phù hợp cho từng đối tượng khách hàng khác nhau. Mỗi sản phẩm, mỗi chương trình đều được tôi làm hẳn một trang A4 để ghi lại tất cả thông tin về nó. Tôi tin rằng, nếu khách hàng nhanh bán được hàng của mình, thì họ cũng sớm lấy hàng tiếp cho mình.
Tôi còn tư vấn cách kết hợp các chương trình để họ lấy hàng sao cho lợi nhất. Có khách hàng quyết định chốt một lúc 40 triệu đồng tiền hàng để đủ gói 120 triệu đồng. Họ yêu cầu tôi tính sao cho họ thừa ít nhất và tôi chỉ mất khoảng 10 phút là xong. Ban đầu, họ còn không tin và phải đưa kế toán tính lại, nhưng thấy tôi tính đúng. Từ đó, họ chỉ báo tôi số tiền và nhờ tôi tính gói phù hợp nhất.
>> Đòi hỏi lòng trung thành khi phỏng vấn tuyển dụng
3. Cần chăm chỉ và bám sát: Giai đoạn đầu thường sẽ thất bại và bạn cũng không thể biết chắc khi nào khách quyết định mua hàng của mình. Việc bạn giới thiệu cho khách hàng biết mình bán gì và nó ưu thế ra sao, không quan trọng bằng tần suất bạn xuất hiện trong tâm trí của họ. Khách hàng thừa biết bạn ở đó làm gì nên mấu chốt là khi họ cần thì người đầu tiên họ nhớ ra để gọi phải là bạn.
Tôi có một chú khách hàng, ban đầu chẳng thèm tiếp, nhưng tôi vẫn kiên trì đến. Tôi thấy chú bán hàng rất giỏi và cửa hàng rất đông khách, nên cũng không hỏi han nhiều, chỉ đến chào chú và hỏi thăm tình hình bán hàng. Sau khoảng hai tháng như thế, có một hôm, chú bảo tôi đợi. Chú bán hàng không ngớt tay và khoảng hơn một tiếng đồng hồ sau, lúc bớt khách, chú mới nói chuyện và cho tôi giới thiệu sản phẩm.
Sau đó, chú đã chốt đặt một đơn sản phầm có giá trị bằng nửa doanh số tháng trước đó của tôi, giúp tôi đứng đầu doanh số công ty tháng đó. Đến sếp cũng tưởng tôi gom đơn nhiều nhà rồi lấy một lúc, phải cho người đi xác minh mới tin vào mắt mình.
4. Uy tín: Tôi luôn vì lợi ích của khách hàng và chưa bao giờ giở trò ma mãnh (tính sai, tính khống...) với khách hàng. Tôi tin họ đều có đầu óc hơn người cả. Việc này có thể khiến thành quả công việc của tôi đến chậm, nhưng bù lại rất chắc chắn, chỉ có lên dần chứ không xuống.
Hy vọng những chia sẻ của tôi sẽ có ý nghĩa với những bạn trẻ đang chập chững bước vào nghề. Hãy tin rằng mọi sự nỗ lực, cố gắng của bạn, rồi sẽ mang lại một thành quả xứng đáng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.