Trong tâm lý phần đông của phụ huynh Việt, có hình thành một tư duy rằng, ở đâu trong thành phố, có giáo viên nào dạy những bộ môn quan trọng để phục vụ cho việc thi cử của các con sau này mà có tiếng tăm, có nhiều học sinh thi đậu, có nhiều kinh nghiệm, thì cho dù mỗi năm phải đóng tiền triệu để cho con mình học thêm, họ cũng bằng lòng. Chúng ta không quản ngại đường xá xa xôi hay mưa nắng, cứ cho con mình đến học bằng mọi giá với niềm tin "chắc chắn con sẽ giỏi". Tôi thấy suy nghĩ này thật buồn cười.
Từng là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, từng trải qua một giai đoạn đi học thêm từ sáng đến chiều, nên tôi hiểu cảm giác của các bạn học sinh như thế nào? Thực ra, cho dù các bậc phụ huynh có gửi gắm con em mình đến những thầy cô giáo có tiếng nhất, để mong con em mình giỏi hơn, là một việc làm sai lầm và dại dột.
Tất nhiên, ba mẹ nào chẳng muốn con mình giỏi, đậu vào các trường có tiếng. Nhưng phụ huynh cũng cần phải hiểu con của mình trước đã, xem lực học của các chúng như thế nào, rồi mới xem xét cho kỹ nên cho con mình học ở đâu, để chọn cho con một con đường đi tốt nhất. Chứ cứ thấy ở đâu có thầy, cô nào giỏi là đua cho con mình chạy theo những lớp đó, trong khi con mình thực lực không bằng những đứa xung quanh, thì rốt cuộc cũng chẳng đi đến đâu.
Đâu phải cứ thầy cô giỏi thì học sinh sẽ giỏi. Mỗi người là một cá thể khác nhau, bạn đâu thể ép con em mình vào một cái khuôn như bao đứa trẻ khác, rồi hy vọng sẽ nhào nặn ra một cá thể hoàn hảo y chang như con nhà người ta. Cái quan trọng nhất là khi con mình được gửi vào những lớp học thêm đó, chúng sẽ học được những gì, có tiếp thu được kiến thức hay không?
>> Tâm lý 'không đi học thêm sẽ bị trù dập'
Có nhiều giáo viên có thái độ thiếu chuẩn mực với học sinh của mình. Một khi mà giáo viên có lợi từ việc dạy thêm thì chính học sinh đó sẽ trở thành công cụ của vị giáo viên đó. Nói chính xác hơn, đó là những "con gà đẻ trứng vàng". Khi đó, thứ mà họ nhận lại sẽ là thành tích, là sự tung hô, là danh tiếng, và "hầu bao" của các bậc phụ huynh giàu có.
Thử hỏi, trong một môi trường như vậy, các học sinh chậm tiến, những học sinh nghèo, những em muốn được như học sinh giỏi kia, hay chỉ là những học sinh muốn sự quan tâm của giáo viên, sẽ như thế nào? Liệu các bạn ấy có còn tương lai sau này không?
"Hiền tài là nguyên khí quốc gia" - đó là phương châm, tôn chỉ mà hầu như trong trường nào cũng dạy. Nhưng liệu điều đó có còn đúng trong xã hội ngày nay không, khi một bộ phận học sinh không được sự quan tâm đúng mực của giáo viên? Thật là không công bằng chút nào.
Tôi cứ nhớ, mỗi lần có tiết dự giờ, cả lớp tôi lại trở thành những "diễn viên" bất đắc dĩ. Trong đó, vai chính đóng đạt nhất không ai khác là giáo viên. Giá mà các vị giáo viên đó cũng làm như vậy trong những ngày thường, như cách họ diễn trọn vai giáo viên dạy giỏi vậy. Cũng chẳng cần trở thành giáo viên theo đúng nghĩa đâu, diễn tròn vai thôi cũng là đủ để những học sinh bị hắt hủi kia cảm thấy mình cũng được quan tâm như những học sinh giỏi khác.
Tôi biết không phải giáo viên nào cũng giống nhau. Còn có rất nhiều giáo viên khác thực sự rất tâm huyết với học trò, không kể các em gia cảnh như thế nào. Họ luôn động viên học trò của mình phải biết cố gắng phấn đấu sao cho không phụ lòng ba mẹ và cho chính bản thân mình, lo lắng, trăn trở khi nhìn những học trò yếu kém hay ngỗ nghịch, thậm chí còn sẵn sàng lên những vùng cao hay nơi nghèo khó để đem con chữ về cho những học sinh hiếu học, thèm được đến trường.
Nhưng đáng buồn, ngày nay, nhiều giáo viên vì chạy theo thành tích mà đánh mất đi đạo đức làm nghề của mình. Hay nhiều giáo viên vì chạy theo đồng tiền mà sẵn sàng đổi trắng thay đen, để cho những bài thi đạt điểm cao chót vót để rồi phải chịu vòng lao lý.
Nghề giáo viên từ xưa đến nay luôn là một nghề được mọi người tôn trọng. Dù nó có khó trăm bề, nhưng những giáo viên luôn cố gắng làm tốt vai trò của mình trong việc đem kiến thức đến cho học sinh. Người giáo viên được ví như những người lái đò chở học sinh qua sông. Khi một lứa học sinh qua sông thành công thì người giáo viên lại đón lứa học sinh khác lên đò. Cứ như vậy, người lái đò đó chưa bao giờ có một giây phút nghỉ ngơi cho dù trên đầu đã điểm bạc hay giọng nói cũng đã bị khàn.
Nhân dịp năm học mới 2022-2023, xin cầu chúc cho các giáo viên luôn giữ được sức khỏe và giữ trong mình nhiệt huyết của người làm nghề giáo, để truyền lửa tri thức, cách làm người cho các thế hệ học sinh mai sau.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.