Trả lời:
Muỗi là vật trung gian lây lan một số bệnh như sốt rét, sốt vàng da. Virus viêm gan B và C lây lan qua tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh nên một số người thường nghĩ muỗi có thể lây lan virus khi đốt từ người này sang người khác.
Tuy nhiên, vòi mà muỗi dùng để hút máu là một cấu trúc phức tạp có các kênh riêng biệt. Muỗi đốt sẽ tiết nước bọt vào bất cứ thứ gì. Nước bọt có chức năng như chất bôi trơn giúp muỗi kiếm ăn dễ dàng. Máu sau khi muỗi hút chảy theo một kênh riêng biệt. Về mặt sinh học, máu nhiễm bệnh khó lây sang người khác.
Các virus viêm gan rất kén khi chọn nơi lây nhiễm và tồn tại. Virus phát triển mạnh ở gan và muỗi không có gan, không phải là nơi phù hợp để virus tồn tại đủ lâu và lây lan. Nhiều nghiên cứu cho thấy muỗi thường không đốt hai người liên tiếp. Sau khi đốt, chúng bay đi để tiêu hóa thức ăn và hút máu lại sau một thời gian. Virus viêm gan không tồn tại lâu trong môi trường khắc nghiệt nên khó có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác qua vật trung gian là muỗi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 354 triệu người trên thế giới sống chung với bệnh viêm gan virus B hoặc C. Viêm gan virus B, C có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với máu bị nhiễm bệnh như dùng chung dao cạo râu, kim tiêm và bàn chải đánh răng, quan hệ tình dục không an toàn, xăm bằng dụng cụ không vô trùng...
Viêm gan virus có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu. Bệnh làm tổn thương gan và dẫn đến ung thư nếu không được phát hiện, quản lý kịp thời. Phòng ngừa viêm gan virus B bằng cách tránh phơi nhiễm với virus, tiêm vaccine phòng ngừa để kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể.
TS.BS Vũ Trường Khanh
Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |