Mụn cóc (mụn cơm, hạt cơm) là bệnh lành tính thường gặp, do virus gây u nhú ở người HPV (Human Papillomavirus) xâm nhập vào da qua vết thương hở hoặc vết trầy xước, kích thích tăng sinh tế bào nhanh chóng dẫn đến hình thành mụn cóc.
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mụn cóc dễ lây lan vì HPV rất dễ thích nghi và tồn tại trong các môi trường như cơ thể người, đất cát, vật dụng như áo quần, khăn tắm, nước... Mụn cóc có thời gian ủ bệnh dài 1-8 tháng. Trong thời gian đó, dù chưa xuất hiện mụn trên da, bệnh vẫn có thể lây truyền sang cho người khác.
Thông qua tiếp xúc với người, môi trường có chứa nguồn bệnh, HPV xâm nhập vào cơ thể qua các vết nứt trên da, như vết xước do chấn thương hoặc vết cắn từ động vật. Cắn móng tay, tình trạng xước móng cũng có thể khiến mụn cóc lan rộng trên đầu ngón tay và xung quanh móng. Khi vào cơ thể, HPV sống ở các lớp bề mặt của da, vì vậy, các con đường mà mụn cóc lây nhiễm thường thông qua tiếp xúc trực tiếp, chứ không lây qua đường máu, dịch tiết cơ thể. Có thể mất đến vài tháng để mụn cóc hình thành kể từ khi cơ thể tiếp xúc hoặc nhiễm virus.
Mụn cóc có thể lây lan qua tiếp xúc da thông thường hoặc qua các đồ vật dùng chung, như khăn tắm, khăn lau mặt, quần áo, dao cạo râu, dụng cụ cắt móng tay. Virus cũng có thể lây qua các bề mặt ẩm ướt, như khu vực hồ bơi, vòi hoa sen, sàn nhà tắm mà người bị nhiễm bệnh đã sử dụng hoặc khi đi chân trần ở nơi mà người bị mụn cóc ở lòng bàn chân từng đi qua.
Mụn cóc có thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác (từ tay sang chân, cơ quan sinh dục và ngược lại) của cơ thể tương tự sự lây lan từ người qua người. Nếu người bệnh cạy, chạm hoặc gãi mụn cóc trên một bộ phận cơ thể, sau đó làm tương tự với bộ phận cơ thể khác, mụn cóc có thể lây lan sang bộ phận cơ thể thứ hai thông qua vật trung gian là ngón tay.
Theo bác sĩ Dung, mọi người đều có thể bị mụn cóc, nhưng nguy cơ cao là trẻ em và thanh thiếu niên, vì cơ thể chưa hình thành khả năng miễn dịch với virus. Người lớn tuổi, người có hệ thống miễn dịch suy yếu, nhất là người nhiễm HIV/AIDS hoặc đã cấy ghép nội tạng cũng dễ mắc bệnh này.
Mụn cóc có thể tự biến mất mà không cần điều trị nếu hệ miễn dịch của người bệnh khỏe mạnh, nhưng cần nhiều thời gian có thể là vài năm để mụn rụng. Trong thời gian nhiễm bệnh, virus có thể lan rộng, cơ thể mọc nhiều mụn cóc hơn. Điều trị giúp loại bỏ mụn cóc nhanh chóng hơn và ngăn lây lan.
Theo bác sĩ Dung, mụn cóc có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Các vị trí thường gặp nhất là bàn tay, quanh móng tay, lòng bàn chân, mặt, vùng sinh dục (còn gọi là sùi mào gà). Mụn cóc đa số không nguy hiểm, nhưng thường gây ngứa hoặc đau đớn và khó chịu. Mụn mọc ở vùng sinh dục do các type HPV 6, 11, 16, 18 có nguy cơ cao phát sinh ung thư ở một số cơ quan như cổ tử cung, hậu môn, hầu họng...
Để tránh lây nhiễm các type HPV nguy cơ cao trên, bác sĩ Dung khuyến cáo cả nam và nữ từ 9 tuổi trở lên nên tiêm vaccine phòng ngừa HPV. Tuy nhiên, các vaccine phòng ngừa nhiễm HPV hiện nay không có tác dụng bảo vệ hoàn toàn khỏi tất cả type HPV gây mụn cóc. Người bệnh vẫn nên áp dụng thêm các phương pháp phòng ngừa khác như giữ bàn chân luôn khô ráo, đi dép riêng khi vào nhà tắm, nhà vệ sinh công cộng; không dùng chung khăn tắm, dao cạo râu, bấm móng tay, giày dép với người khác.
Khi cạo lông, cạo râu cần cẩn thận để tránh trầy xước da. Không chạm trực tiếp vào mụn cóc của người khác, nhất là khi da có vết thương. Không gãi hoặc chạm vào mụn cóc của chính mình để phòng bệnh lan rộng. Rửa tay thường xuyên, không cắn móng tay giúp ngăn ngừa HPV xâm nhập.
Anh Thư
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để được bác sĩ giải đáp |