Trả lời:
Mụn cóc (mụn cơm) là những khối u nhỏ trên da, do virus u nhú ở người (HPV) gây ra, có thể mọc ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể như tay, chân, thân mình, cơ quan sinh dục, niêm mạc, vùng hậu môn... Bệnh dễ nhầm với nốt chai chân, vì biểu hiện tương tự dù không có chấm đen trên bề mặt như mụn cơm.
Mụn sần sùi như bông súp lơ, có thể nổi một hoặc nhiều nốt, nhỏ, phẳng, chắc, dày, mọc sâu vào trong da, thường gây đau nhức khi đi lại. Ở một số trường hợp, mụn phát triển dày cộm làm vướng víu, bất tiện trong sinh hoạt, lây lan sang những vùng da khác, gây đau đớn và mất thẩm mỹ. Bệnh không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe nhưng để lâu mụn mọc nhiều, lan sang những vùng xung quanh.
Mụn cóc dễ lây khi tiếp xúc qua vết trầy xước, cào, gãi; dùng chung vật dụng cá nhân (dao cạo râu, khăn tắm), vệ sinh tay chân không sạch. Người có thói quen cạo lông chân hay suy giảm miễn dịch cũng dễ nhiễm virus.
Mụn cóc mới xuất hiện hay đã lan rộng như trường hợp của bạn đều có thể chữa khỏi bằng phương pháp áp lạnh. Kỹ thuật này được chia thành nhiều lần, mỗi lần, bác sĩ phun nitơ lỏng vào mụn, vị trí này sẽ phồng rộp và bong tróc. Áp lạnh bằng nitơ lỏng có thể gây đau, bác sĩ cân nhắc khi điều trị ở trẻ nhỏ.
Phương pháp kết hợp giữa đốt cháy bằng điện và nạo thủ công, áp dụng cho mụn có kích thước dưới 2 cm. Đây là phương pháp ít gây nhiễm trùng, nhanh lành vết thương nhưng dễ tái phát do nhân và rễ mụn không được lấy hết.
Liệu pháp laser CO2 là một trong những phương pháp điều trị mụn cóc được nhiều người chọn. Bác sĩ sử dụng ánh sáng từ máy laser CO2 Fractional để đốt nóng, phá hủy mô và các mạch máu nhỏ bên trong mụn. Phương pháp này có thể áp dụng cho nhiều loại mụn cơm, loại bỏ nốt sần, làm sạch tổ chức mụn dưới da, hạn chế lây lan sang những vùng xung quanh, giảm nguy cơ nhiễm trùng và nhanh hồi phục.
Với vị trí nhạy cảm, mụn to, lan nhiều, bạn không tự ý điều trị bằng phương pháp dân gian, nên đến chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da để được bác sĩ kiểm tra và điều trị, hạn chế biến chứng.
Các biện pháp phòng ngừa như bỏ thói quen cắn móng tay; không dùng chung khăn tắm, quần áo, bấm móng tay, dao cạo râu hoặc các vật dụng cá nhân khác. Không trực tiếp sờ, chạm vào mụn của người khác; không gãi, cắt hoặc cạy mụn. Mang giày dép khi đến phòng thay đồ công cộng, khu vực hồ bơi nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm mụn.
BS.CKI Nguyễn Thị Kim Dung
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp. |