Người bị mộng du có thể mở mắt, ngồi dậy hoặc đi lại nhưng trí óc vẫn đang ngủ. Các hành động khi mộng du có thể bao gồm đi lại trong nhà hay ngoài phố, nói chuyện, ăn uống, thay quần áo, đánh răng...
BS.CKII Thân Thị Minh Trung, Phó khoa Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mộng du thường xuất hiện ở trẻ em và tự khỏi sau một thời gian, nhiều trường hợp kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Mộng du do nhiều nguyên nhân, hiện chưa có nghiên cứu xác định rõ nguyên nhân cụ thể. Một số yếu tố góp phần gây bệnh như thiếu ngủ, sử dụng thuốc, căng thẳng quá mức, mắc bệnh parkinson, các rối loạn vận động, yếu tố di truyền...
Người thường xuyên thiếu ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc hay lịch đi ngủ thay đổi liên tục dễ bị mộng du do rối loạn giấc ngủ. Tình trạng này ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ, từ đó tăng nguy cơ mộng du.
Người lạm dụng các chất kích thích như caffeine, rượu bia, thuốc lá hoặc các loại thuốc như thuốc ngủ, thuốc chống lo âu, trầm cảm dễ bị mộng du. Chất kích thích và thuốc tác động đến hệ thần kinh và dẫn đến những bất thường trong lúc ngủ.
Yếu tố di truyền cũng chi phối. Người có người thân trong gia đình mắc rối loạn này dễ mộng du hơn. Một số vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu, trầm cảm hoặc stress nghiêm trọng... cũng tăng khả năng rối loạn giấc ngủ.
Bác sĩ Minh Trung cho biết thêm người mộng du dễ gặp nguy hiểm do té ngã, va chạm, gây tổn thương cho người khác. Tình trạng này gây ra các vấn đề về sức khỏe do mất ngủ, rối loạn giấc ngủ. Người bệnh thường thức dậy trong trạng thái lờ đờ, uể oải, thiếu năng lượng.
Mộng du còn dẫn đến căng thẳng, rối loạn lo âu do người bệnh thường xuyên lo lắng, suy nghĩ đến những tác hại khi không kiểm soát được hành động trong giấc ngủ.
Theo bác sĩ Minh Trung, mộng du có thể tự khỏi và nhiều trường hợp không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, người bệnh nên đi khám để được bác sĩ tư vấn cách kiểm soát bệnh và đảm bảo an toàn. Nhờ đó hạn chế được những vấn đề như tự gây hại cho bản thân hoặc người xung quanh, ngã, stress vì lo lắng quá mức.
Để phòng ngừa mộng du, mỗi người cần luyện tập thể dục để giảm căng thẳng, duy trì lịch trình ngủ đều đặn, tạo môi trường ngủ yên tĩnh và thoải mái. Tránh đồ uống chứa cồn và chất kích thích cũng như điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan. Các biện pháp không giúp phòng ngừa hoàn toàn nhưng có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ và hạn chế tối đa nguy cơ mộng du.
Huy Văn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp. |