Lượng cholesterol cao lâu ngày có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Tiêu thụ đủ chất xơ và chất béo không bão hòa có thể giúp giảm cholesterol "xấu" và tăng mức cholesterol "tốt". Mỗi ngày, phụ nữ trưởng thành nên tiêu thụ 25 g chất xơ và nam giới nên tiêu thụ 38 g. Dưới đây là những gợi ý bữa ăn nhẹ buổi tối thân thiện cho người cholesterol cao.
Bánh mì nướng nguyên cám với quả bơ
Đây là một ý tưởng ăn nhẹ trước khi đi ngủ dành cho những người có mức cholesterol cao. Quả bơ chứa nhiều chất béo và chất xơ không bão hòa, không có cholesterol có tác dụng giúp giảm đáng kể hàm lượng cholesterol "xấu", từ đó hạn chế xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
Ăn quả bơ cùng bánh mì nướng làm từ lúa mì nguyên cám sẽ làm tăng hàm lượng chất xơ, tạo nên bữa ăn nhẹ đầy đủ.
Trái cây sấy khô và các loại hạt
Chất xơ hòa tan và chất béo không bão hòa giúp kiểm soát cholesterol. Nhiều loại trái cây sấy khô giàu chất xơ hòa tan. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý xem trái cây sấy khô có chứa đường bổ sung hay không. Bên cạnh đó, các loại hạt cũng là nguồn cung cấp chất béo không bão hòa và chất xơ tốt.
Sữa chua ít béo với ngũ cốc và quả mọng
Sữa chua không béo hoặc ít béo giàu canxi với lượng chất béo bão hòa tối thiểu. Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, mỗi người không cần phải loại bỏ hoàn toàn chất béo bão hòa.
Sữa chua ít béo cũng giàu protein giúp cơ thể cảm thấy no. Có thể thêm quả mọng vào thực phẩm để bổ sung chất xơ hòa tan, góp phần giảm cholesterol. Tùy thuộc vào sở thích mỗi người, có thể ăn sữa chua cùng hạt chia, hạt lanh hoặc ngũ cốc.
Bột yến mạch với chuối
Bột yến mạch có thể giúp giảm cholesterol. Thực phẩm là một trong những nguồn beta-glucans tốt, chất xơ hòa tan. Bột yến mạch kết hợp với chuối sẽ bổ sung thêm chất xơ hòa tan, tạo vị ngọt cho một bữa ăn nhẹ buổi tối. Có thể thêm hạt chia để có thêm chất béo không bão hòa giúp cơ thể thấy no hơn.
Ngoài việc lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng, dưới đây là những thói quen lành mạnh giúp kiểm soát lượng cholesterol cao.
Bỏ thuốc lá: Hút thuốc lá làm giảm mức cholesterol "tốt".
Hạn chế uống rượu: Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng mức cholesterol "xấu". Nam giới nên hạn chế uống hai ly hoặc ít hơn mỗi ngày, nữ giới chỉ nên uống một ly rượu mỗi ngày.
Hoạt động thể chất thường xuyên: 150 phút vận động cường độ vừa phải hoặc 75 phút cường độ mạnh mỗi tuần có thể giúp giảm mức cholesterol.
Dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ: Đôi khi tập luyện, dinh dưỡng khoa học để tăng cường sức khỏe không đủ để kiểm soát mức cholesterol. Vì vậy, người bệnh cần thực hiện theo các khuyến nghị của bác sĩ, sử dụng thuốc để kiểm soát cholesterol.
Lê Nguyễn (Theo Eatingwell)