Một trong những mối quan tâm ngày càng tăng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là lượng đường được đưa vào chế độ ăn của trẻ sơ sinh. Đường tồn tại ở nhiều dạng như tinh thể, bột, siro... Trong khi đó, vị ngọt là thành phần cơ bản và vốn có của nhiều loại thực phẩm. Một phần lượng đường tiêu thụ hàng ngày của một người đến từ thực phẩm chế biến sẵn.
Theo WHO, 30% calo chứa trong phần lớn thức ăn trẻ em trên thị trường có nguồn gốc từ đường. Các chuyên gia cho rằng khi trẻ sơ sinh được cho ăn thực phẩm có đường từ sớm, có thể dẫn đến tình trạng nghiện ngọt, gây cảm giác thèm ăn đường suốt cả ngày. Chế độ ăn nhiều đường ở trẻ mới biết đi có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe sau này như bệnh tiểu đường và tăng huyết áp.
WHO khuyến nghị cho trẻ dưới 6 tháng bú sữa mẹ hoàn toàn. Tuy nhiên, thực tế, nhiều trẻ được cho uống sữa công thức hoặc các loại thức ăn khác để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Hàm lượng lớn đường trong các loại thực phẩm này làm trẻ phát triển thói quen ăn đồ ngọt.
Một nghiên cứu của trường Y Icahn ở Mount Sinai, New York và trường Y Keck tại Đại học Southern California (Mỹ) cho thấy, 74% các loại thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh bao gồm sữa công thức, ngũ cốc ăn sáng, sữa chua... có chứa lượng đường cao, với hàm lượng calo của đường chiếm 20% tổng calo của sản phẩm. Theo các nghiên cứu khác do Học viện Nhi khoa Mỹ công bố, ngũ cốc hỗn hợp và trái cây xay nhuyễn cho trẻ sơ sinh chứa 35% calo có nguồn gốc từ đường.
Trẻ sơ sinh có xu hướng thích vị ngọt, bởi vì sữa mẹ hơi ngọt nên bắt buộc phải có các vị khác trong chế độ dinh dưỡng của trẻ. Hầu hết chuyên gia dinh dưỡng khuyên cha mẹ nên chọn thực phẩm một thành phần khi trẻ nhỏ hơn 6 tháng. Sở thích về mùi vị của trẻ được hình thành và củng cố trong năm đầu đời. Do đó, điều quan trọng là phải bắt đầu với các nguyên liệu đơn lẻ, chẳng hạn như không trộn trái cây với rau vì điều đó dạy con rằng rau chỉ ngon khi được làm ngọt. Thói quen này có thể dẫn đến tình trạng nghiện đồ ngọt.
Thời điểm có thể cho trẻ ăn đường
Bổ sung đường sau 12 tháng được coi là an toàn đối với trẻ nhỏ nhưng các chuyên gia khuyến nghị nên tăng thời hạn lên hai năm. Điều này không chỉ bao gồm đường mà còn có các chất làm ngọt tự nhiên khác như mật ong, siro cây thùa, siro chà là, siro ngô, siro cây phong, caramel... Nếu phải làm ngọt thức ăn cho con, cha mẹ nên chọn trái cây. Tốt nhất nên tránh bất kỳ loại chất ngọt nào cho trẻ sơ sinh 6-12 tháng tuổi.
Nếu dư thừa, đường và chất tạo ngọt sẽ làm giảm sự đa dạng trong chế độ ăn uống của bé, do đó hạn chế các loại thực phẩm mà chúng thích ăn. Các chuyên gia cho rằng đồ uống như nước trái cây tuyệt đối không dành cho trẻ nhỏ dưới một tuổi. Chúng nên được cho ăn trái cây nguyên quả, giúp cung cấp chất xơ; uống nước hoặc sữa không đường.
Mỗi em bé phát triển theo các mốc thời gian khác nhau, cha mẹ có thể cần tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa về thời điểm và cách bắt đầu cho trẻ ăn dặm. Nó cũng phụ thuộc vào cách em bé đang phát triển liên quan đến các kỹ năng vận động thô và tinh.
Trong 12-24 tháng, nếu có thể, cha mẹ hãy cân nhắc thời điểm cho trẻ làm quen với đường vì việc tiếp xúc với đường sớm sẽ khiến trẻ ít thích thử các nhóm thực phẩm khác.
Với bé trên hai tuổi, khi thêm đường vào chế độ ăn của con, bạn hãy cố gắng làm một cách từ từ mà không thu hút sự chú ý quá mức đến thức ăn ngọt. Ví dụ, đừng dỗ trẻ bằng món tráng miệng như một phần thưởng khi hoàn thành bữa ăn. Mục đích là để trẻ không kén chọn thức ăn, đồng thời ăn một bữa đầy đủ dinh dưỡng.
Châu Vũ (Theo Indian Express)