BS.CKI Phan Tuấn Trọng, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết corticoid được bào chế thành thuốc giảm đau và một số thuốc kháng viêm khác. Corticoid ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, dễ dẫn đến tác dụng phụ. Sử dụng và lạm dụng corticoid trong thời gian dài tăng nguy cơ xảy ra biến chứng về nội tiết như hội chứng Cushing (bệnh nội tiết ít gặp), suy tuyến thượng thận (tuyến thượng thận không sản xuất đủ hormone).
Hội chứng Cushing do thuốc thường xảy ra trong một vài trường hợp lạm dụng các thuốc giảm đau chứa corticoid chữa bệnh xương khớp, các thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc... Người bệnh sử dụng các thuốc có chứa corticoid kéo dài trong điều trị các bệnh tự miễn, viêm khớp dạng thấp, lupus, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cũng có khả năng cao mắc hội chứng này.
Bệnh không được phát hiện và điều trị sớm dễ dẫn đến các biến chứng như béo phì, teo cơ và yếu cơ, bầm tím, tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, gãy xương bệnh lý ở bàn chân, rối loạn tâm thần ở cả nam và nữ. Rậm lông, mọc râu, mụn trứng cá, vô kinh hoặc vô sinh ở nữ. Giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương ở nam. Trẻ em mắc hội chứng Cushing thường chậm phát triển hơn trẻ khác.
Theo bác sĩ Trọng, người bệnh dùng nhiều thuốc chứa corticoid bao gồm cả thuốc giảm đau kéo dài có thể bị suy tuyến thượng thận thứ phát. Bệnh gây mệt mỏi, chóng mặt, sụt cân, chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy, đau cơ, huyết áp thấp, hạ đường huyết... Suy tuyến thượng thận nếu không được phát hiện và điều trị sớm đe dọa đến tính mạng. Người bệnh có thể rối loạn điện giải, sốc, co giật, hôn mê, tử vong.
Ngoài ra, lạm dụng thuốc giảm đau và các thuốc có chứa corticoid còn gây ra biến chứng cho các cơ quan khác.
Hệ tiêu hóa: Corticoid có thể gây viêm niêm mạc dạ dày, loét dạ dày tá tràng và xuất huyết đường tiêu hóa. Viêm tụy cấp cũng có thể xảy ra nhưng ít gặp.
Hệ thần kinh: Người bệnh dùng corticoid liều cao dễ gặp các triệu chứng như hưng phấn, rối loạn giấc ngủ, mê sảng, hoang tưởng, trầm cảm. Rối loạn tâm thần cấp tính có thể xuất hiện trên nền bệnh rối loạn tâm thần.
Nhiễm trùng: Corticoid có vai trò ức chế miễn dịch, làm giảm sức đề kháng của cơ thể, dễ gây nhiễm trùng bởi các vi khuẩn thông thường. Các tình trạng nhiễm virus như bệnh zona, thủy đậu và mụn rộp có thể trở thành tình trạng cấp tính.
Biến chứng muộn thường xảy ra sau thời gian dài người bệnh lạm dụng thuốc giảm đau chứa corticoid hay các thuốc có chứa corticoid khác.
Biến chứng trên da, niêm mạc và các mô: Da mỏng, dễ bầm tím, vết rạn da ở ngực, bụng, mông và đùi, vết thương chậm lành, lông mọc rậm rạp, mụn do thừa hormone androgen, teo cơ chân tay.
Biến chứng trên xương: Sử dụng corticoid liều lượng cao trong thời gian dài có thể ức chế sự phát triển của xương và sụn, khiến trẻ chậm tăng trưởng, phát triển, người lớn dễ loãng xương, gãy xương.
Biến chứng tại mắt: Đục thủy tinh thể, gây cườm nước (tăng nhãn áp, glaucoma), loét giác mạc cục bộ trong điều trị viêm kết mạc... cũng có thể do thuốc chứa chất này.
Biến chứng tim mạch: Người bệnh sử dụng corticoid lâu dài thường cao huyết áp, khó kiểm soát và làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
Corticoid không chỉ có trong thuốc giảm đau mà còn nhiều loại khác như siro, corticoid dạng ống hít và corticoid xịt mũi giúp kiểm soát viêm liên quan đến bệnh hen suyễn và dị ứng mũi, thuốc nhỏ mắt, thuốc bôi da.
Bác sĩ Trọng khuyên người ốm đau, bất thường về sức khỏe cần đi khám để được bác sĩ kê toa điều trị. Người bệnh nên hỏi bác sĩ trước khi sử dụng, uống thuốc theo chỉ định, không tự mua thuốc, không lạm dụng thuốc giảm đau, giảm viêm để phòng các biến chứng nguy hiểm do corticoid.
Phương Hoa
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp |