Trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ cách đây khoảng một năm, chị Nguyễn Ngọc Mai (49 tuổi, TP HCM) được bác sĩ ở một bệnh viện nghi ngờ u buồng trứng và đề nghị mổ. Tuy nhiên, khi phẫu thuật, bác sĩ không tìm ra được khối u.
Phần vì lo lắng, cũng như cơ thể vẫn còn các triệu chứng đau vùng hậu môn và khó đi tiêu nên chị Mai có đi khám thêm ở một số nơi, song chưa nhận được kết quả rõ ràng.
Khi kiểm tra hậu môn, trực tràng cho chị Mai, TS.BS Đỗ Minh Hùng - Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa - phát hiện một khối u rất to và cứng. Người bệnh được cho thực hiện nội soi đại tràng gây mê, xác định khối u không nằm bên trong đại tràng. Kết quả chụp MRI vùng chậu cho thấy khối u có kích thước khoảng 8-10 cm nằm ở vị trí khó phẫu thuật, sau trực tràng và trước xương cùng cụt, một phần khối u được nhận định đã xâm lấn vào mạch máu trước xương cùng cụt.
Phẫu thuật nội soi bằng dụng cụ robot cơ học
Sau khi hội chẩn với khoa Ung bướu và Sản phụ khoa, các bác sĩ nhận định đây là ca khổ khó. Một phần vì khối u đã lấn vào màng mạch, chỉ cần tổn thương màng mạch là có thể gây chảy máu dữ dội, thậm chí tử vong. Hơn nữa, đối với khối u nghi ngờ là dạng u mô đệm đường tiêu hóa có kích thước lớn, điều quan trọng là phải lấy được trọn vẹn khối u để hạn chế nguy cơ tái phát cao sau mổ.
Ca mổ này được bác sĩ Minh Hùng và êkip thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi kết hợp với mổ qua ngả ống hậu môn với sự hỗ trợ của dụng cụ robot cầm tay cơ học.
Bác sĩ Hùng chia sẻ, robot cơ học được trang bị tại bệnh viện Tâm Anh là loại dụng cụ đa khớp với ưu điểm có thể co duỗi dễ dàng, len lỏi vào những khe rất hẹp, giúp ekip xử lý khối u tốt hơn dụng cụ nội soi tiêu chuẩn. Từ tháng 6/2021, bệnh viện Tâm Anh là nơi đầu tiên tại Việt Nam sử dụng dụng cụ nội soi đa khớp nối (robot cơ học) để giảm thiểu chi phí phẫu thuật đáng kể.
Theo bác sĩ Hùng, bên cạnh đội ngũ bác sĩ ngoại tiêu hóa nhiều năm kinh nghiệm, sự kết hợp của dụng cụ robot cơ học với hệ thống phẫu thuật 3D/4K là các yếu tố quyết định để bác sĩ tự tin thực hiện ca mổ khó này bằng nội soi. Để lấy trọn vẹn khối u, bác sĩ buộc phải cắt bỏ một đoạn trực tràng bị khối u chèn ép, buồng trứng và phần phụ bên phải vì khối u dính vào quá nhiều.
Bác sĩ Hùng cho biết thêm, khối u đã được lấy trọn vẹn mà không gây mất máu quá nhiều cho người bệnh sau hơn 8 tiếng phẫu thuật. Sau vài giờ nằm ở phòng hồi tỉnh tại khoa gây mê, chị Mai được chuyển về khoa và được xuất viện. 7 ngày điều trị hậu phẫu tình trạng sức khỏe của chị đã ổn định.
Chị Mai cho biết, quá trình hồi phục của bản thân rất tốt. Nhờ mổ nội soi nên một ngày sau mổ chị có thể ngồi dậy được và hai ngày sau đó bắt đầu tập đi lại. Sau khoảng hai tuần, chị gần như có thể quay lại các hoạt động bình thường.
Theo kết quả giải phẫu bệnh, khối u được xác định là u cơ trơn lành tính hiếm gặp. Các nhà giải phẫu bệnh cho rằng, khối u này có thể xuất phát từ mạch máu hoặc là u buồng trứng lạc chỗ.
Bác sĩ Hùng khuyến cáo, bất kỳ bệnh nào cũng nên được phát hiện sớm, đặc biệt là ung thư. Những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ trung bình mắc ung thư dạ dày, đại tràng nên đi tầm soát 40-45 tuổi, không nên chờ đến khi có triệu chứng mới bắt đầu kiểm tra, không nên tự ý mua thuốc về điều trị.
Tên của người bệnh đã được thay đổi
Hoàng My
Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh