Vào tháng 10/2021, bệnh nhân Nguyễn Văn Thành (ngụ tại TP HCM) được người nhà đưa đến khám tại Trung tâm Nội soi và phẫu thuật Nội soi tiêu hóa do có khối phồng ở vùng bẹn gây đau kéo dài khoảng hơn hai tháng.
Kết quả khám và siêu âm cho thấy, ông Thành gặp tình trạng thoát vị bẹn và cần phẫu thuật nội soi đặt lưới ngoài phúc mạc để điều trị. Tuy nhiên, trong quá trình mổ, êkip bác sĩ phát hiện thêm tình trạng thoát vị đùi và một dạng thoát vị khác rất hiếm gặp ở bệnh nhân nam là thoát vị bịt.
BS.CKII Nguyễn Quốc Thái (Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, thoát vị bịt là bệnh lý được ghi nhận với tỷ lệ mắc trung bình dưới 1% trong tổng số các trường hợp thoát vị thành bụng, thường xuất hiện ở nữ giới lớn tuổi, thể trạng gầy, đã sinh con nhiều lần và đi kèm với các bệnh khác. Nguyên nhân thoát vị được cho là sự lỏng lẻo của sàn chậu đi kèm với tuổi cao; thể trạng gầy và giảm lượng mỡ của cơ thể có thể làm rộng lỗ bịt. Tăng áp lực ổ bụng do tình trạng táo bón kéo dài, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cổ trướng hoặc do bất thường trong cấu trúc bẩm sinh cũng gây thoát vị bịt.
Theo bác sĩ Thái, ở trường hợp của ông Thành, chưa rõ nguyên nhân vì sao lại xuất hiện ba dạng thoát vị cùng lúc, nhất là thoát vị đùi và thoát vị bịt rất hiếm được ghi nhận ở nam giới. Hơn nữa, thể trạng ông Thành ở mức bình thường. Tuy nhiên, thoát vị đùi và thoát vị bịt của bệnh nhân vẫn còn ở mức độ nhẹ và được phát hiện sớm khi mổ thoát vị bẹn bằng hệ thống phẫu thuật 3D. Sau khi phẫu thuật, ông Thành hồi phục hoàn toàn và được xuất viện về nhà.
Biến chứng của thoát vị thành bụng
Thoát vị thành bụng xảy ra khi một tạng (như mạc nối, ruột ...) trong bụng không ở vị trí thông thường mà chui ra một điểm yếu trên thành bụng có thể là ở vùng bẹn (thoát vị bẹn) hoặc ở mặt trước đùi (thoát vị đùi). Hiếm gặp hơn, tạng thoát vị có thể chui vào lỗ bịt (còn gọi là ống dưới mu) gây ra thoát vị bịt.
Tùy thuộc vào tạng thoát vị mà khối phồng có kích thước to hay nhỏ, có thể thấy bằng mắt thường hoặc cảm nhận được khi bác sĩ kiểm tra bằng tay, gây cảm giác đau ít hoặc đau nhiều.
Bác sĩ Thái chia sẻ thêm, nếu tạng thoát vị không thể chui ngược lại vào ổ bụng mà bị "nghẹt" thì cần được can thiệp bằng phẫu thuật sớm trong vòng 6 tiếng tránh để tạng thoát vị có thể bị hoại tử, nhiễm trùng. Chẩn đoán thoát vị bẹn và thoát vị đùi khá đơn giản. Nhưng chẩn đoán thoát vị bịt thì phức tạp hơn vì biểu hiện của tình trạng này thường không đặc hiệu. Đa phần các trường hợp này được phát hiện khi bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tắc ruột (khoảng 60%) hay đau bụng, đau vùng bẹn (khoảng 57%).
Thoát vị thành bụng được hỗ trợ phát hiện qua phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang hoặc chụp CT (nhất là đối với trường hợp nghi ngờ thoát vị bịt). Thoát vị bịt có nguy cơ nghẹt cao do lỗ thoát vị nhỏ, nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn tới nguy cơ hoại tử ruột, nhiễm trùng, sốc đe dọa tính mạng.
"Trước kia, các trường hợp thoát vị thành bụng đều được mổ mở để can thiệp điều trị. Phương pháp này có nhược điểm là thông thường chỉ xử trí được một loại thoát vị (ví dụ như thoát vị bẹn), không phát hiện được các thoát vị ẩn kèm theo, ít có yếu tố thẩm mỹ và thời gian hồi phục kéo dài. Hiện nay, hầu hết trường hợp thoát vị, thậm chí khối thoát vị lớn cũng được áp dụng phương pháp mổ nội soi với các ưu điểm như ít đau, mau lành, thẩm mỹ. Nếu có nghi ngờ biến chứng hoại tử ruột bác sĩ sẽ mổ mở để cắt phần ruột hoại tử", bác sĩ Thái nói.
Nếu phát hiện có những khối phồng nghi ngờ, người bệnh nên đến khám sớm với bác sĩ có kinh nghiệm trong phẫu thuật phục hồi thành bụng để được tư vấn và chẩn đoán loại thoát vị, vị trí... lựa chọn phương pháp mổ đem lại hiệu quả.
Tên nhân vật đã được thay đổi.
Minh Thảo