Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM vừa tiếp nhận trường hợp thai phụ Ngọc Điểm (Tân Bình, TP HCM) bị nhau tiền đạo trung tâm hoàn toàn, có cài răng lược ở mặt sau lan ra mặt trước. Thai phụ nhập viện trong tình trạng ra huyết nhiều, thai kỳ 30 tuần, được điều trị tích cực hơn 2 tuần nhưng tình trạng ra huyết ngày càng nghiêm trọng. Khi thai 32 tuần 5 ngày, sức khỏe thai phụ kém đi, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai để bảo đảm an toàn cho mẹ.
![Các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM mổ lấy thai cho sản phụ bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/05/04/anh1-nhau-cai-rang-luoc-4273-1651628165.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YhM4CNRjBWnTbJkJMnd3Bg)
Các bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM mổ lấy thai cho sản phụ bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.
Theo các bác sĩ, chị Điểm được siêu âm nghi ngờ nhau tiền đạo ở tuần thai 13-14. Bánh nhau đi từ mặt sau vòng qua mặt trước cổ tử cung và lên tới gần vết mổ lấy thai cũ, che lấp hoàn toàn cổ tử cung. Ở tuần thai 25, siêu âm gợi ý nhau cài răng lược, từ tuần 28 trở đi, thai phụ bị xuất huyết nhiều lần và phải nhập viện theo dõi sát sao cho đến khi phẫu thuật lấy thai.
Được biết, chị Điểm mang thai con thứ ba ở tuổi 40 bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Chị đã có hai lần mổ lấy thai trước đó.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết, đối với trường hợp nhau tiền đạo, nhau cài răng lược như thai phụ này, thai càng lớn thì tình trạng ra huyết càng nhiều, nguy cơ biến chứng càng cao. Ở thời điểm thai 30 tuần, các bác sĩ đã chuẩn bị cho tình huống xấu có thể xảy ra. Đến khi thai trên 32 tuần, thai phụ có một đợt ra huyết nghiêm trọng phải nhập viện theo dõi. Hiện tượng ra huyết không được cải thiện gần 2 ngày buộc các bác sĩ phải mổ cấp cứu. Nhờ chuẩn bị sớm nên ca mổ diễn ra thành công sau hơn một giờ. Em bé được tiêm mũi hỗ trợ phổi nên hô hấp ổn định dù sinh non tháng. Đặc biệt, tử cung của sản phụ vẫn được bảo tồn.
Trước đó, ekip bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa của BVĐK Tâm Anh TP HCM cũng mổ lấy thai cho chị Kim Hiền (Thủ Đức). Chị Hiền mang thai con đầu lòng có nhau tiền đạo. Kết quả siêu âm ở tuần thai 26-27 bác sĩ nghi ngờ nhau tiền đạo, đến tuần 32-33 khẳng định có nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược ở mặt sau đoạn dưới. Các bác sĩ duy trì thai thêm 4 tuần, đến tuần 37 thai phụ được chỉ định mổ lấy thai.
![Con trai chị Điểm chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,1kg. Ảnh: Thanh Trúc](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/05/04/anh2-nhau-cai-rang-luoc-8252-1651628165.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=o59t92dDlNPpU_yLR7ub2Q)
Con trai chị Điểm chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,1kg. Ảnh: Thanh Trúc
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, thai phụ có nhau cài răng lược thường gặp các biến chứng nguy hiểm, đa số các trường hợp được chỉ định mổ lấy thai ở thời điểm 36-38 tuần hoặc ngay khi thai phụ có hiện tượng ra huyết nhiều. Ngoài ra, một số trường hợp phải chấm dứt thai kỳ, không ít trường hợp phải đưa bé chào đời sớm, để bảo vệ tính mạng mẹ. Thông thường với nhau cài răng lược, các mạch máu tăng sinh nhiều, khi mổ nhau không tróc ra được khỏi tử cung, cơ tử cung không co thắt được dẫn đến nguy cơ chảy nhiều máu.
BS.CKII Lê Thanh Hùng, Bác sĩ Trung tâm Sản phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM nhấn mạnh, tình trạng nguy hiểm nhất của nhau cài răng lược cũng như nhau tiền đạo là hiện tượng ra máu bất cứ lúc nào. Nó có thể xảy ra từ nửa đầu thai kỳ (trước 20 tuần) hoặc nửa sau thai kỳ (sau 20 tuần). Hiện tượng chảy máu từ bánh nhau có thể xảy ra kể cả khi thai phụ không vận động nhiều mà chỉ nằm nghỉ ngơi. Do vậy, tùy vào tình trạng xuất huyết, bác sĩ sẽ quyết định thời điểm chấm dứt thai kỳ.
Bác sĩ Châu Thanh Danh khoa Gây mê hồi sức BVĐK Tâm Anh TP HCM chia sẻ, để ca mổ diễn ra thuận lợi, các bác sĩ phải chuẩn bị đường truyền dự trù máu cũng như các loại thuốc để kịp thời hồi sức cho sản phụ. Bên cạnh đó, công tác gây mê cũng cần đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con. Thuốc mê đi qua nhau thai và ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, trong khi hầu hết thai ở các ca nhau tiền đạo còn non tháng. Cần đảm bảo gây mê tốt để vấn đề hồi sức nhi sơ sinh sau ca mổ không gặp phải rủi ro.
Cách phát hiện sớm và hạn chế tình trạng nhau cài răng lược
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, nhau tiền đạo và nhau cài răng lược là biến chứng sản khoa ở những thai phụ có tiền sử sinh nở nhiều lần, có vết mổ trên cơ tử cung, tử cung có hình dạng bất thường, tiền sử bị viêm nhiễm tử cung. Thai phụ trên 35 tuổi, thai phụ sử dụng nhiều chất kích thích đặc biệt là thuốc lá, có tiền sử nạo phá thai có nguy cơ nhau cài răng lược cao.
Trước đây, nhau cài răng lược là tai biến sản khoa hiếm gặp, theo thống kê tại Mỹ, tỷ lệ rau cài răng lược đã tăng từ khoảng 1/30.000 vào những năm 1950, đến khoảng 1/500 đến 2000 trong những năm 1980 và 1990, và đến 3/1000 vào những năm 2000. Hiện duy trì trong khoảng 2/1000.
Để tránh biến chứng này phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên tránh nạo phá thai hoặc mổ lấy thai nhiều lần. Bên cạnh đó, chị em cần khám thai định kỳ và theo dõi trong suốt thai kỳ để tránh tối đa nhất rủi ro của chứng bệnh này.
![Hệ thống máy siêu âm thai hiện đại tại BVĐK Tâm Anh giúp phát hiện sớm các ca mang thai nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/05/04/anh3-nhau-cai-rang-luoc-9395-1651628165.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oMbR9w702MIhqrIBRaTWfQ)
Hệ thống máy siêu âm thai hiện đại tại BVĐK Tâm Anh giúp phát hiện sớm các ca mang thai nhau tiền đạo, nhau cài răng lược.
Theo bác sĩ Mỹ Nhi, thai phụ khi phát hiện có bất thường thai kỳ, đặc biệt biến chứng nguy hiểm như nhau cài răng lược, suốt quá trình mang thai cần giám sát chặt chẽ để không bỏ sót vấn đề của thai nhi.
Ngay từ khi phát hiện nhau tiền đạo hoặc nhau cài răng lược, thai phụ cần có chế độ theo dõi và chăm sóc đặc biệt, bao gồm hoạt động nhẹ nhàng, hạn chế các công việc nặng nhọc, kiêng quan hệ tình dục. Ngoài ra, cần báo cho bác sĩ về tình trạng nhau tiền đạo của mình để được theo dõi và xử lý tùy vào tình huống. Đặc biệt, khi ra huyết, dù không kèm theo đau bụng cũng nên nhập viện càng sớm càng tốt.
"Để có một thai kỳ khỏe mạnh và quá trình sinh nở an toàn, tránh được những biến chứng sản khoa nguy hiểm như nhau cài răng lược và nhau tiền đạo, thai phụ nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Chị em phụ nữ hạn chế mang thai khi đã lớn tuổi, cố gắng sinh thường (trừ khi có chỉ định sinh mổ của bác sĩ), tránh xa thuốc lá, điều trị dứt điểm các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa trước khi mang thai, khám thai đúng lịch, nhập viện ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong thai kỳ" - bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo.
*Tên nhân vật đã được thay đổi*
Minh Hà