Chị Trương Mỹ Trang (30 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM) cho biết, cách đây 4 năm, khi thấy vùng cổ to bất thường, chị đi khám và được siêu âm có bướu giáp thùy trái. Kết quả chọc kim sinh thiết là lành tính và điều trị nội khoa. Hai năm sau, chị Trang tái khám định kỳ, khối u lớn 21x16 mm, kích thước nhân giáp gần như không thay đổi, tỷ lệ ác tính 15-30%. Sau đó, do dịch bệnh, chị trì hoãn tái khám.
Vừa qua, chị đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM thì bướu giáp đã tăng kích thước gấp đôi và xâm lấn vào cơ vùng cổ. ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực cho biết, kết quả sinh thiết xác định bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp thùy trái, cần phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp và nạo hạch cổ. Điều này nhằm tránh tế bào ác tính di căn xa hơn, phòng nguy cơ tái phát.
Với thể trạng béo phì, các nguy cơ bệnh nhân có thể gặp trong quá trình phẫu thuật như suy hô hấp, chảy máu nhiều tụt canxi máu dẫn đến tê tứ chi... Hơn nữa, cổ bệnh nhân ngắn, cực trên tuyến giáp khá cao. Khi phẫu thuật, bác sĩ phải khéo léo lấy trọn khối u và nạo hạch cổ mà không làm tổn thương dây thần kinh thanh quản để tránh bệnh nhân khàn tiếng vĩnh viễn.
Với êkip bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức nhiều kinh nghiệm, ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi. Bác sĩ Hằng cho biết, tuyến giáp bị khối u xâm lấn được loại bỏ hoàn toàn. Sức khỏe chị Trang hồi phục tốt và xuất viện sau hai ngày. Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ cho thấy, hạch chưa di căn mà chỉ là hạch viêm. Bệnh nhân tiếp tục được xạ trị để phòng nguy cơ tái phát.
Theo bác sĩ Hằng, đa số bệnh nhân ung thư tuyến giáp có tiên lượng rất tốt nếu được chẩn đoán và điều trị tích cực từ giai đoạn sớm. Như trường hợp bệnh nhân Trang, nếu được phẫu thuật từ cách đây một năm, kích thước nhân giáp chưa lớn, bệnh nhân chỉ phải cắt bỏ thùy giáp trái (thay vì toàn bộ tuyến giáp). Như vậy, bệnh nhân sẽ không phải duy trì uống thuốc hormone tuyến giáp suốt đời, chỉ cần tuân thủ lời dặn của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt và tái khám theo lịch hẹn.
Với ung thư tuyến giáp giai đoạn muộn, bác sĩ có thể chỉ định những biện pháp điều trị bổ sung như xạ trị, hóa trị liệu, tiêu diệt tế bào ung thư bằng năng lượng điện... Ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất, chiếm khoảng 1% các loại ung thư. Ban đầu, bệnh thường không gây ra triệu chứng. Nhưng đến giai đoạn tiến triển, người bệnh sẽ gặp phải các biểu hiện như sưng cổ, đau cổ họng, thay đổi giọng nói và khó nuốt.
"Bệnh thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới và có xu hướng trẻ hóa ở độ tuổi ngoài 30, thậm chí chưa tới 30 tuổi. Những người trên 30 tuổi, nhất là người có tiền sử bản thân hoặc gia đình mắc bệnh về tuyến giáp nên tầm soát ung thư tuyến giáp định kỳ, có thể phát hiện sớm bất thường và điều trị", bác sĩ Hằng nói thêm.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Hạ Vũ