Tuyến giáp là một tuyến nằm vùng cổ trước, phía trước khí quản, bao gồm hai thùy và eo (tạo thành hình con bướm). Tuyến giáp tạo ra các hormone giúp điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể. Nếu tuyến giáp sản xuất quá nhiều hoặc sản xuất quá ít hormone đều có thể dẫn đến các vấn đề bệnh lý. Những trạng thái này được gọi là cường giáp và suy giáp, tương ứng.
Ung thư tuyến giáp là khối u ác tính của tuyến giáp. Càng ngày số lượng người mắc ung thư tuyến giáp càng tăng. Ung thư tuyến giáp có hai loại: ung thư tuyến giáp thể biệt hóa (thể nhú, thể nang, chiếm khoảng 90%) và loại khác (thể tủy, thể không biệt hóa khoảng 10%). Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Nguyên nhân
Theo TS.BS Trần Hải Bình - Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ung thư tuyến giáp có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, tuy nhiên khi khối u phát triển lớn hơn có thể gây ra: khó thở, khó hoặc đau khi nuốt, giọng khàn, giảm cân, mệt mỏi... Nguyên nhân của ung thư tuyến giáp thường không rõ. Tuy nhiên, sự kết hợp của các điều kiện di truyền và các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng phát triển tình trạng này. Một số yếu tố nguy cơ ở một số vùng nhất định khiến số trường hợp ung thư tuyến giáp ở một số quốc gia nhiều hơn những quốc gia khác.
Các nguyên nhân khách quan có thể gồm: lượng iốt quá cao hoặc quá thấp, tiếp xúc với bức xạ ion hóa, tiếp xúc với bức xạ y tế, chẳng hạn như từ các thủ tục chẩn đoán, có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Các nguyên nhân khác cũng được liệt kê như: tuổi tác tăng cao thì nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp tăng hơn, người thừa cân có nhiều khả năng phát triển ung thư tuyến giáp cao hơn người bình thường...
Những đối tượng nguy cơ
- Nữ giới (dễ mắc ung thư tuyến giáp hơn nam giới).
- Độ tuổi hay mắc từ 25-65 tuổi. Các yếu tố tuổi tác, giới tính cũng quy định rất nhiều việc người mắc ung thư tuyến giáp hay không. Cụ thể nguy cơ ung thư tuyến giáp có thể tăng lên khi mọi người già đi, tuy nhiên, nó cũng thường xuyên xảy ra ở lứa tuổi trẻ hơn.
- Người châu Á.
- Người thường xuyên tiếp xúc với bất kỳ loại bức xạ.
- Tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp, bướu cổ hoặc bệnh tuyến giáp khác.
- Một số điều kiện di truyền, chẳng hạn như ung thư tuyến giáp thể tủy.
Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
Bác sĩ Hải Bình chia sẻ thêm, khi chẩn đoán ung thư tuyến giáp, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, hỏi các yếu tố nguy cơ và tiền sử gia đình. Sau đó, bác sĩ sẽ cho kiểm tra bằng siêu âm tuyến giáp, đánh giá vị trí, kích thước khối u, khả năng xâm lấn của khối u tuyến giáp, có hạch cổ di căn hay không. Người bệnh sẽ được chọc hút tế bào u tuyến giáp dưới hướng dẫn của siêu âm và xét nghiệm tế bào học cho biết có phải là ung thư tuyến giáp không.
Theo bác sĩ Hải Bình, có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau cho ung thư tuyến giáp biệt hóa và không biệt hóa. Mỗi hình thức điều trị phù hợp như thế nào sẽ phụ thuộc vào giai đoạn và loại ung thư tuyến giáp của người bệnh. Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa hay gặp nhất (khoảng 90%), có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Điều trị bao gồm: phẫu thuật cắt thùy tuyến giáp có u trong trường hợp giai đoạn sớm, với khối u lớn hơn, có nguy cơ di căn hạch cổ thì phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch cổ, sau đó xem xét có thể cần điều trị thêm một liều thuốc phóng xạ Iot 131. Sau khi cắt bỏ tuyến giáp, người bệnh sẽ không còn hormone tuyến giáp nên sẽ được bác sĩ cho uống hormone tuyến giáp để bù cả đời.
Để giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp, mọi người nên hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như bức xạ, tia bức xạ... Bên cạnh đó nên ăn uống lạnh mạnh, thường xuyên tầm soát ung thư khi để biết được tình trạng của bản thân. Ung thư tuyến giáp có thể chữa trị được tùy thuốc và loại ung thư, độ tuổi khi phát hiện ung thư và giai đoạn bệnh nhân bắt đầu điều trị. Vì vậy, điều quan trọng nhất là tầm soát phát hiện sớm, điều trị đúng cách và kịp thời.
Anh Chi