Bé Baran là người Thổ Nhĩ Kỳ, bố mẹ đến TP HCM sinh sống, làm việc. Lúc chào đời, ngón út trên tay phải Baran có thêm một mẩu thịt trông như ngón thừa. Gần đây bé khó bú, khó nuốt, gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám.
Ngày 21/3, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, chuyên khoa Ngoại Nhi, cho biết Baran bị thừa ngón, dính thắng lưỡi, hẹp bao quy đầu sinh lý (bao quy đầu chưa tuột trong suốt của quá trình phát triển sinh lý bình thường). Tỷ lệ thừa ngón khoảng 1/1.000 trẻ, còn dính thắng lưỡi xảy ra ở khoảng 5% trẻ sơ sinh. Ước tính gần 96% bé trai khi sinh ra bị hẹp bao quy đầu, trong đó đa số hẹp sinh lý, khoảng 16% còn lại là bệnh lý do viêm nhiễm.
Baran bị dính thắng lưỡi mức độ nặng, gây khó bú, khó nuốt, nếu không can thiệp sớm khiến bé bú lâu, lên cân chậm, gây nói ngọng, chậm nói về sau. Dị tật ngón tay thừa có thể ảnh hưởng chức năng cầm nắm.
Bác sĩ cắt ngón dư, tạo hình ngón tay, cắt thắng lưỡi trong cùng cuộc mổ. Hẹp bao quy đầu sinh lý có thể tự khỏi khi lớn lên và không cần xử trí trước 6 tuổi, song bố Baran mong muốn con được phẫu thuật cắt bao quy đầu.
Để tránh việc bé phải cắt bao quy đầu đau đớn hoặc phải gây mê lần hai để thực hiện cuộc mổ này ở bệnh viện khác, bác sĩ Trọng quyết định mổ "3 trong 1".
Cuộc phẫu thuật cho Baran có hai ê kíp mổ song song trong khoảng 40 phút. Bác sĩ cắt ngón dư, tạo hình lại ngón tay nhằm đảm bảo chức năng cầm nắm. Ê kíp còn lại tách dính thắng lưỡi và cắt bao quy đầu. Sau mổ, bé bú mẹ bình thường, xuất viện sau một ngày.
Hiện chưa có phác đồ chung về thời gian phẫu thuật cho tất cả dị tật thừa ngón. Một số khuyến cáo nên can thiệp cho trẻ tốt nhất trước hai tuổi. Với trẻ có dị tật dính thắng lưỡi, thời gian lý tưởng để phẫu thuật cắt tạo hình là 3-6 tháng. Trường hợp bé khó bú, bỏ bú cần được can thiệp sớm hơn.
Bác sĩ Trọng cho biết cắt bao quy đầu chủ động như bé Baran còn tồn tại nhiều tranh cãi trong giới y khoa và xã hội. Một số tổ chức chống đối tục lệ cắt bao quy đầu, cho đây vi phạm nhân quyền trẻ em, một số khác ủng hộ vì giúp phát triển sức khỏe cộng đồng, phòng chống AIDS.
Tháng 3/2007, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) công nhận cắt bao quy đầu ở trẻ em nam ngăn chặn HIV. Phẫu thuật này chỉ có thể ngăn chặn phần nào và không được dùng để thay thế cho tất cả những phương pháp phòng chống khác.
Một số nghiên cứu cho thấy trẻ trai đã cắt bao quy đầu ít nhiễm trùng đường tiết niệu khi còn nhỏ, ít có khả năng phát triển ung thư dương vật sau này (loại ung thư ít gặp), ít nhiễm HIV và HPV. Bạn tình nữ của những người đàn ông đã cắt bao quy đầu ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ Trọng lưu ý cha mẹ nên để ý sự phát triển da quy đầu bình thường ở trẻ, cho trẻ đi khám và can thiệp hợp lý, không nên cắt bao quy đầu thường quy cho nếu trẻ khỏe mạnh, không dị tật bao quy đầu, nhiễm trùng đường tiết niệu, không bị ảnh hưởng tôn giáo - tín ngưỡng.
Tuệ Diễm
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |