Buồn ngủ ban ngày có thể là triệu chứng rối loạn giấc ngủ, các tình trạng thể chất và tâm lý, yếu tố lối sống như căng thẳng mạn tính, làm việc theo ca. Một số cách đơn giản có thể giảm tình trạng này.
Uống cà phê: Caffeine là chất kích thích có thể tăng cảm giác tỉnh táo khi buồn ngủ quá mức. Tuy nhiên, cà phê và đồ uống chứa caffeine khác như soda, trà có thể gây khó ngủ vào ban đêm ngay cả khi mệt mỏi. Mọi người nên uống chúng vào buổi sáng, tránh dùng vào cuối ngày.
Chọn món ăn nhẹ ít đường: Đồ ăn nhẹ nhiều đường có thể tăng cường năng lượng nhanh chóng nhưng sau đó lại gây giảm lượng đường trong máu, đầu óc choáng váng và mệt mỏi. Đồ ăn nhẹ ít đường, nhiều chất xơ như sữa chua, các loại hạt và quả mọng; quả bơ, rau và bánh mì nguyên hạt... giúp tăng mức năng lượng, giảm buồn ngủ.
Ngủ trưa: Giấc ngủ ngắn trong ngày giúp tỉnh táo hơn, nhất là với người bị thiếu ngủ. Ngủ trưa 10-30 phút, khoảng 13h-14h là phù hợp, chọn nơi thoải mái, yên tĩnh. Nếu ngủ trưa muộn, cuối giờ chiều, hãy ngủ ngắn để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.
Thể dục: Hoạt động thể chất thường xuyên giúp cơ thể tràn đầy năng lượng, bớt mệt mỏi vào ban ngày và dễ ngủ hơn vào ban đêm. Đi bộ nhẹ nhàng 15-20 phút và tăng dần theo thời gian.
Tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên: Ánh sáng và giấc ngủ có liên quan chặt chẽ với nhau. Nhịp sinh học điều chỉnh chu kỳ ngủ - thức bị ảnh hưởng bởi ánh sáng ban ngày. Do đó, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời vào ban ngày mang lại cảm giác tỉnh táo, khuyến khích giấc ngủ chất lượng vào ban đêm. Dành ít nhất 30 phút mỗi ngày ở ngoài trời dưới ánh nắng tự nhiên, ưu tiên vào buổi sáng để hít thở không khí trong lành, phục hồi các giác quan.
Tránh hút thuốc, uống rượu: Nicotine có thể kích thích cơ thể dẫn đến gián đoạn giấc ngủ. Uống rượu có thể giúp dễ ngủ hơn nhưng tác dụng này thường ngắn và dễ gây gián đoạn giấc ngủ ban đêm.
Uống đủ nước: Mất nước làm trầm trọng thêm cảm giác mệt mỏi. Mọi người nên uống đủ nước suốt cả ngày, khoảng 1,5-2 lít nước, nhất là sau khi tập thể dục. Thực phẩm nhiều nước như trà thảo mộc, dưa hấu, dứa, táo cũng bổ sung lượng nước đáng kể.
Duy trì thói quen ngủ tốt: Hãy duy trì một lịch trình ngủ nhất quán, đảm bảo không gian ngủ yên tĩnh, thoải mái, không có ánh sáng làm phiền. Thư giãn trước khi đi ngủ, tránh xa thiết bị điện tử cũng có tác dụng tốt.
Cho mắt được nghỉ ngơi: Xem máy tính, điện thoại trong thời gian dài gây mỏi mắt, mệt mỏi, buồn ngủ. Sau vài phút, hãy dừng lại để nhìn ra xa hoặc nhắm lại một lúc cho mắt được nghỉ ngơi.
Giảm căng thẳng: Các hoạt động thư giãn trong ngày cũng có tác dụng giảm căng thẳng, tránh buồn ngủ như tập thể dục, tập yoga, thiền, nghe nhạc.
Mở đèn lên: Môi trường có ánh sáng mờ ảo làm gia tăng tình trạng mệt mỏi. Tiếp xúc với ánh sáng mạnh giảm cơn buồn ngủ và tăng sự tỉnh táo. Mở tất cả các đèn tại nơi làm việc để cơ thể giảm buồn ngủ.
Hít thở sâu: Tác dụng của hít thở sâu là tăng nồng độ oxy trong máu trong cơ thể, làm chậm nhịp tim, giảm huyết áp và cải thiện tuần hoàn, cuối cùng hỗ trợ hiệu suất tinh thần và năng lượng.
Để hít thở sâu, hãy ngồi thẳng trên ghế, một tay đặt lên bụng ngay, tay kia đặt trên ngực. Hít sâu bằng mũi, cảm nhận phần bụng mở rộng ra. Thở ra từ từ qua miệng với mỗi hơi thở ra dài gấp hai đến ba lần thời gian hít vào. Lặp lại khoảng 10 lần hít thở.
Bảo Bảo (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |