Thời tiết lạnh khiến không khí khô, thiếu độ ẩm có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng bệnh mũi xoang, viêm mũi dị ứng, đau họng, chảy dịch mũi sau, cảm lạnh... Một số cách dưới đây góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh.
Uống nhiều nước giúp giữ cho niêm mạc ẩm, giảm nguy cơ nhiễm trùng xoang. Người lớn nên uống 1,5-2 lít nước một ngày, kể cả vào mùa lạnh, có thể bổ sung cả nước ép hoa quả, súp, canh để tăng lượng nước mỗi ngày. Uống nước thường xuyên còn làm cho dây thanh quản được bôi trơn, hạn chế khàn giọng.
Sử dụng bình xịt nước muối sinh lý hoặc nước rửa xoang thường xuyên nhằm giữ cho đường mũi thông thoáng và đủ nước, hỗ trợ thở dễ hơn trong những ngày mùa đông hanh khô. Súc họng bằng nước muối cũng góp phần ngăn ngừa vi khuẩn, sạch họng. Bạn có thể mua nước muối sinh lý ở tiệm thuốc hoặc tự pha theo tỷ lệ 9 g muối với 1.000 ml nước sôi để nguội. Dùng máy tạo độ ẩm cũng giúp tăng độ ẩm cho mũi họng, làm thông thoáng đường thở, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mũi xoang.
Rửa tay thường xuyên có thể ngăn ngừa vi khuẩn gây nhiễm trùng đường hô hấp, giảm nguy cơ tiếp xúc với các chất dị ứng gây kích ứng đường mũi. Bởi thời tiết thay đổi tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, bám vào các bề mặt tiếp xúc hằng ngày.
Hút bụi thường xuyên để loại bỏ lông thú cưng và mạt bụi tích tụ trong nhà. Gia đình có thể dùng máy lọc không khí hỗ trợ lọc các chất gây dị ứng, cải thiện chất lượng không khí, có lợi cho sức khỏe mũi họng.
Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng chân, cổ, đầu để tránh nhiễm lạnh. Riêng trẻ nhỏ, phụ huynh tránh cho con ra ngoài vào ban đêm, đeo khẩu trang nếu phải ra ngoài. Trẻ không nên mặc quá nhiều quần áo vào buổi tối vì có thể ra mồ hôi và thấm ngược lại cơ thể, gây cảm lạnh. Tránh tiếp xúc với người đang có dấu hiệu mắc các bệnh truyền nhiễm như cảm lạnh, cảm cúm. Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, hạn chế đến những chỗ đông người.
Nghỉ ngơi và tập thể dục để tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, không tập thể dục khi trời quá lạnh, có mưa rét, khởi động kỹ trước khi luyện tập, mặc đủ ấm. Ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm để cơ thể có thời gian tái tạo. Sắp xếp công việc hợp lý giúp nghỉ ngơi đầy đủ, giảm áp lực và căng thẳng.
Đảm bảo dinh dưỡng, bổ sung protein nạc, ăn nhiều hoa quả để cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ưu tiên thực phẩm giàu vitamin C, kẽm như cam, quýt, bưởi, hải sản.
Người có dấu hiệu ốm như đau họng, sổ mũi kéo dài, ho, sốt nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc theo đơn của người khác.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |