Mưa lạnh kéo dài, nhiệt độ giảm, độ ẩm cao tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus phát triển mạnh trong không khí, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm thanh quản, viêm mũi xoang... ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7, hướng dẫn một số cách dưới đây phòng bệnh mũi họng vào mùa mưa.
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đi ra ngoài vào buổi tối hoặc sáng sớm. Nếu bạn bị ướt mưa cần lau khô người, sấy tóc, nghỉ ngơi khi về tới nhà để ổn định thân nhiệt, sau đó mới tắm. Ưu tiên đồ ăn uống ấm như trà, súp, cháo để giữ ấm cho cơ thể.
Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý góp phần loại bỏ bụi bẩn, giảm nguy cơ kích ứng, thông thoáng đường thở. Nước muối còn hỗ trợ giảm phù nề và sưng viêm niêm mạc mũi họng.
Vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi hắt hơi hoặc tiếp xúc với nhiều người, nhất là người ốm. Hạn chế dùng tay dụi mắt, mũi, miệng hoặc lau mồ hôi, dùng khăn sạch hoặc khăn tay để lau mắt, mũi khi cần. Khi ra ngoài hoặc ở nơi đông người, đeo khẩu trang giúp ngăn chặn virus lây qua đường hô hấp.
Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, giữ nhà cửa khô ráo, tránh ẩm ướt để ngăn vi khuẩn phát triển và tấn công hệ hô hấp.
Uống đủ nước giúp duy trì thân nhiệt ổn định, loại bỏ các độc tố trong cơ thể. Trong mùa mưa, mọi người nên uống nước ấm có tác dụng giữ ẩm cho cổ họng, làm loãng đờm. Người trưởng thành uống đủ 1,5-2 lít nước. Người làm việc ngoài nắng, nhiệt độ cao, chơi thể thao thường xuyên có thể cần uống nhiều hơn.
Tăng sức đề kháng cho cơ thể, nâng cao hệ miễn dịch, giảm nguy cơ tác nhân gây bệnh từ virus, vi khuẩn tấn công. Tăng sức đề kháng bằng cách ưu tiên trái cây tươi và rau củ quả giàu vitamin A, E, C và B, chất chống oxy hóa, khoáng chất.
Tập thể dục mỗi ngày thúc đẩy cơ thể phóng thích năng lượng và được chuyển hóa thành nhiệt năng, chống lại thời tiết lạnh. Hoạt động thể chất đều đặn khoảng 30-60 phút ngày hỗ trợ tăng sức đề kháng.
Ngủ đủ giấc để hồi phục cơ thể sau một ngày dài, nâng cao sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh. Thời gian ngủ khuyến nghị cho người trưởng thành trung bình là 7-9 giờ mỗi đêm.
Hạn chế đồ uống chứa chất cồn, không hút thuốc lá bởi chúng dễ kích thích niêm mạc đường hô hấp, gây viêm dẫn đến ngứa rát họng, đau họng, ho. Chất cồn cũng làm cơ thể bị mất nước, là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch suy yếu.
Bác sĩ Phát khuyến cáo mọi người tiêm phòng đầy đủ, nhất là các loại vaccine phòng cúm và viêm phổi để giảm nguy cơ mắc bệnh. Người trưởng thành có các triệu chứng sốt cao trên 39 độ C không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, khó thở, ho kéo dài trên 10 ngày nên đi khám. Nếu trẻ nhỏ và người cao tuổi mắc bệnh kéo dài hơn ba ngày mà không giảm... cần đến bác sĩ tai mũi họng khám ngay.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |