Vệ sinh trước khi nấu ăn
Trước khi bắt đầu nấu ăn, bạn nhớ rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước trong ít nhất 20 giây. Bạn nên dùng thớt sạch, tách riêng cho thịt sống và các sản phẩm khác như thịt chín, trái cây...
Với các món có nguyên liệu là bột và trứng cần sơ chế và vệ sinh đồ đựng thật kỹ càng vì bột, trứng chưa nấu chín có thể chứa vi khuẩn có hại cho hệ tiêu hóa.
Rã đông đúng cách
Khi có kế hoạch nấu ăn từ những nguyên liệu trong tủ, bạn đừng quên tính toán thời gian rã đông. Ước tính mỗi con gà nặng khoảng 2kg cần khoảng 24 giờ để rã đông. Với các nguyên liệu là thịt, hãy đặt ở ngăn thấp nhất trong tủ rã đông và kê khay bên dưới để hứng nước.
Nếu không có nhiều thời gian, bạn có thể dùng nước lạnh hoặc lò vi sóng nhưng với phương pháp này cần sơ chế hoặc nấu chín thực phẩm ngay lập tức.
Khi rã đông bằng nước lạnh, hãy đặt thực phẩm trong túi kín, ngâm trong vòi nước lạnh và thay nước sau mỗi 30 phút. Với lò vi sóng, hãy xem lại sách hướng dẫn sử dụng tùy theo công suất của lò vi sóng đối với mỗi món ăn và trọng lượng của thực phẩm.
Nấu ăn ở nhiệt độ an toàn
Các món ăn chuẩn bị cho gia đình cần được nấu chín hoàn toàn. Bạn có thể đo nhiệt độ của món ăn bằng cách cắm nhiệt kế vào phần thịt dày nhất. Trong lúc đo, không để đầu của nhiệt kế chạm vào chảo/xoong. Nhiệt độ an toàn cho các loại thịt là: gia cầm: 74 độ C; thịt bò, thịt lợn, chân giò: 63 độ C; thịt xay: 72 độ C; cá và hải sản có vỏ: 63 độ C.
Phòng ngừa bỏng và các sự cố
Người nấu đặt thức ăn nóng và các món canh tránh xa các cạnh bàn, những nơi dễ dàng bị đổ hoặc trẻ nhỏ hay qua lại; xoay quai nồi về phía bên hoặc phía sau của bếp để tránh va chạm; tuyệt đối không để trẻ nhỏ tiếp cận lò vi sóng.
Bạn bật và tắt các thiết bị một cách an toàn, không để các vật dễ cháy gần bếp ga. Khi cho trẻ phụ nấu ăn, cần giám sát chúng để đảm bảo được giao các nhiệm vụ an toàn và phù hợp với lứa tuổi.
Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm
Người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch yếu, dễ ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, gia đình có thể cân nhắc loại bỏ trứng lòng đào (lòng đỏ trứng luộc sơ) hoặc món gỏi sống ra khỏi thực đơn ăn uống. Bên cạnh đó, cá hoặc động vật có vỏ sống, thịt sống hoặc gia cầm nấu chưa chín, các sản phẩm từ sữa chưa tiệt trùng cũng tiềm ẩn một số nguy cơ.
Thức ăn thừa
Sau khi thực phẩm được nấu chín an toàn, món ăn nóng phải được giữ ở nhiệt độ khoảng 60 độ C hoặc ấm hơn để ngăn vi khuẩn phát triển. Trong vòng 2 giờ sau khi nấu hoặc lấy thức ăn ra khỏi thiết bị giữ ấm, thức ăn thừa phải được bảo quản trong tủ lạnh.
Đối với súp và thịt hầm, việc chia thành các hộp đựng nhỏ hơn có thể đảm bảo làm nguội nhanh hơn. Khi hâm nóng thức ăn thừa, nhiệt độ tối thiểu cần duy trì là 74 độ C.
Bảo Bảo (Theo Eating Right, Harmons Grocery)