Tình trạng này do đâu, có nguy hiểm không và điều trị thế nào? (Tuấn Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu)
Trả lời:
Men gan là hệ thống các enzym hoàn chỉnh nằm trong tế bào gan do gan sản xuất. Có nhiều loại men gan như AST, ALT, ALP, GGT... Chúng tham gia vào quá trình tổng hợp và chuyển hóa các chất dinh dưỡng như lipid, gluxit, protid, giúp gan thực hiện các chức năng như thải độc, sản xuất mật.
Bác sĩ thường dựa vào 4 chỉ số gồm alanin transaminase (ALT), aspartate transaminase (AST), gamma-glutamyl transferase (GGT) và alkaline phosphatase để đánh giá tình trạng men gan. Chỉ số men gan tăng 1-4 lần so với bình thường là mức độ nhẹ. Chỉ số này tăng gấp 5-10 lần là trung bình, báo hiệu những yếu tố gây hại đến gan; tăng 10-20 lần là mức độ nặng, cho thấy gan suy yếu, nguy cơ cao đã mắc các bệnh nghiêm trọng.
Nếu men gan tăng cao bất ngờ có thể là dấu hiệu cho thấy gan bị tấn công bởi một số tác nhân gây hại dẫn đến viêm nhiễm và suy yếu. Khi các tế bào gan viêm hay chết, men gan được giải phóng vào máu nhiều hơn bình thường dẫn đến tăng men gan.
Chỉ số men gan được phát hiện ở mức độ nhẹ hoặc trung bình chưa ảnh hưởng đến chức năng gan. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài có thể là dấu hiệu của các bệnh gan mạn tính nguy hiểm. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, gan dễ tổn thương, dẫn đến các biến chứng như suy gan, xơ gan, ung thư gan...
Các loại men trên còn có trong cơ, xương, tim, thận, tuỵ. Do đó, men tăng cao còn là dấu hiệu cảnh báo các bệnh nguy hiểm như viêm cơ, viêm thận mạn, viêm đường mật, nhồi máu cơ tim...
Tăng men gan xuất phát từ nhiều nguyên nhân như nhiễm virus viêm gan A, B, C, D, E; uống nhiều rượu bia; lối sống thiếu khoa học; chế độ dinh dưỡng mất cân bằng. Một số bệnh như gan nhiễm mỡ, viêm gan tự miễn, bệnh đường mật, thừa sắt, xơ gan, ung thư gan, nhồi máu cơ tim) cũng làm tăng men gan.
Trong một số trường hợp, người bệnh sử dụng một số loại thuốc điều trị, các thảo dược, thuốc giảm cholesterol, thuốc kháng sinh... men gan có thể tăng tạm thời 2-4 tuần rồi tự giảm dần về trạng thái bình thường mà không cần điều trị.
Trường hợp men gan cao quá mức, bác sĩ chỉ định một số thuốc hỗ trợ gan giúp giảm men gan. Người bệnh dùng thuốc cần sử dụng theo chỉ định bác sĩ.
Người bệnh cần kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, bao gồm giảm tiêu thụ chất béo, tăng cường chất xơ, thực phẩm giàu protein, chất chống oxy hóa, bỏ rượu bia, thuốc lá, duy trì chế độ tập luyện. Áp dụng chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần thoải mái, đồng thời cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để xét nghiệm nồng độ men gan và phát hiện bệnh kịp thời.
Trường hợp của bạn, men gan tăng ở mức độ trung bình, tuy nhiên chưa xác định nguyên nhân cụ thể. Bạn nên đi khám chuyên khoa Tiêu hóa để xác định nguyên nhân làm men gan tăng, từ đó có phác đồ điều trị hiệu quả, phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
BS.CKI Nguyễn Hữu Trí
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |